Xúc động chương trình "Khát vọng Hòa bình" bên Thành cổ Quảng Trị

25/07/2022 13:01

(NLĐO) - Thông qua chương trình "Khát vọng Hòa bình", nhân dân và bạn bè quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn nữa ý chí, nghị lực phi thường của cả một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lý tưởng đã lựa chọn.

Tối 24-7, tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức chương trình nghệ thuật "Khát vọng Hòa bình" nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo người dân.

Xúc động chương trình Khát vọng Hòa bình bên Thành cổ Quảng Trị - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại chương trình "Khát vọng Hòa bình"

Ngược dòng lịch sử, vào mùa hè năm 1972, hàng ngàn thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại những ước mơ, hoài bão, xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.

Tại nơi đây, ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328.000 tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Thành cổ Quảng Trị được xem như là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.

Xúc động chương trình Khát vọng Hòa bình bên Thành cổ Quảng Trị - Ảnh 2.

Một tiết mục tại chương trình "Khát vọng Hòa bình"

Chương trình "Khát vọng Hòa bình" gồm 3 chương chính: Máu và hoa; Máu và hòa bình; Khúc thanh ca. Thông qua các tiết mục hát, múa, lời bình nghệ thuật, đồ họa màn hình và phóng sự tài liệu, chương trình đã làm sống dậy một thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.

Chương trình lựa chọn hình tượng chủ đạo là "Dòng sông ước vọng". Đó là dòng sông năm xưa chở những ước mơ hoài bão của một thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước. 

Chương trình được dàn dựng bởi hình ảnh, câu chuyện, tiết mục nghệ thuật, khơi gợi cho người dân cảm xúc tự hào, xúc động và tràn ngập niềm hi vọng, thôi thúc người dân dốc sức phấn đấu xây dựng phát triển quê hương…

Xúc động chương trình Khát vọng Hòa bình bên Thành cổ Quảng Trị - Ảnh 3.

Tiết mục gây xúc động tại chương trình "Khát vọng Hòa bình"

Chương trình đã gợi nhắc những chiến công bất tử, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tất cả những điều đó đều được lan tỏa trong một không gian đa chiều, hòa hợp và hội nhập để hướng tới thông điệp: hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại.

Bên cạnh các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, chương trình "Khát vọng Hòa bình" cũng ứng dụng công nghệ 3D Mapping, đồ họa tân tiến nhằm khắc họa khúc hùng ca của dân tộc cũng như khát vọng hòa bình của Việt Nam.