Ưu tiên xây dựng luật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh

22/09/2021 10:00

Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19.

Vẫn còn hạn chế, bất cập

Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Chính sách - Ưu tiên xây dựng luật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua các đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện pháp luật về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật dưới nhiều hình thức như thực hiện phổ biến qua fanpage, zalo, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh trong một số lĩnh vực đôi khi thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan của một số hạn chế trên. 

Về nguyên nhân khách quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản. Tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ, địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, xây dựng chính sách pháp luật ứng phó với dịch Covid-19. Một số luật giao quy định chi tiết nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề phức tạp, phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền. 

Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn hạn chế. Các điều kiện bảo đảm cho xây dựng và thi hành pháp luật còn hạn chế. Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại một số bộ, ngành và các địa phương còn thiếu, ở địa phương phần lớn kiêm nhiệm…

Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ưu tiên xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022, nhất là các dự án luật để thể chế hóa các Văn kiện Đại hội XIII, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...

Chính sách - Ưu tiên xây dựng luật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh (Hình 2).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ đề nghị Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó ưu tiên các dự án thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các dự án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Xác định và bổ sung nguồn kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do tác động củai dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh... đạt được kết quả tích cực.

Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Ủy ban Pháp luật cho rằng, năm 2021, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đổi mới để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá cụ thể hơn những đổi mới này.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội. Để thực hiện những nhiệm vụ này, đề nghị Chính phủ giao cho một cơ quan làm đầu mối để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết…