Trung Quốc khai phá nơi tăm tối chưa ai từng đến: Cuối cùng đã chạm tay vào "báu vật" lớn nhất hành tinh
07/12/2023 16:04
Đáy đại dương đang trở thành sân khấu cạnh tranh tài nguyên toàn cầu tiếp theo trên thế giới và Trung Quốc sắp thống trị nơi này.
Trung Quốc đã nắm giữ 5 trong số 30 giấy phép thăm dò mà Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) cấp cho đến nay - nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào - để chuẩn bị cho việc bắt đầu khai thác biển sâu ngay sau năm 2025.
Khai thác mỏ cũng sẽ mang lại cho Bắc Kinh công cụ mới đầy tiềm năng trong cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang với Mỹ. Như một dấu hiệu cho thấy những nguồn tài nguyên này có thể được vũ khí hóa, vào tháng 8, Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng đối với Mỹ.
Carla Freeman, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, cho biết: “Nếu Trung Quốc có thể dẫn đầu trong hoạt động khai thác dưới đáy biển, họ thực sự có cơ hội tiếp cận tất cả các khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế xanh thế kỷ 21”.
Với các nốt đa kim, Trung Quốc gửi các phương tiện robot xuống độ sâu hơn 5000m, chạm xuống khu vực đáy biển rộng lớn tối tăm, nơi chúng từ từ hút vật liệu và bơm lên tàu.
Nơi được đánh dấu khai thác mặc dù chưa đến 1% tổng diện tích đáy biển quốc tế nhưng vẫn có quy mô rất lớn.
30 hợp đồng thăm dò với diện tích 1,4 triệu km vuông nhưng tập trung ở một vùng trải dài của Thái Bình Dương được gọi là Khu Clarion-Clipperton. Đây là khu vực rộng hơn cả nước Mỹ liền kề và chứa tới sáu lần lượng coban và ba lần lượng niken so với tất cả các trữ lượng trên đất liền.
Trung Quốc đang trên con đường phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật để trở thành một cường quốc toàn cầu không còn phụ thuộc vào phương Tây, bao gồm cả việc trở thành một cường quốc hàng hải có khả năng cạnh tranh với Mỹ.
“Nếu muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, bạn phải duy trì an ninh cho các tuyến đường biển và lợi ích của mình. Vì vậy, việc trở thành một cường quốc hàng hải là điều không thể tránh khỏi”, Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Biển của Trung Quốc tại Đại học Nam Kinh, cho biết.
Mỹ đã làm rất ít để đáp trả lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc thống trị nguồn tài nguyên ở vùng biển sâu.
Không giống như Trung Quốc, các công ty Mỹ không có bất kỳ hợp đồng thăm dò nào và các nhà phê bình cho rằng Washington thiếu kế hoạch rõ ràng về cách cạnh tranh trong ngành công nghiệp mới này.