Từ ngày 4/8 đến 8/8, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức 4 buổi hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học,… để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, 2 vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của Luật Đất đai là thu hồi đất và quy định giá đất đã được mổ xẻ, phân tích cặn kẽ trong những ý kiến của một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại buổi hội thảo thứ nhất.
Thu hồi đất cần đảm bảo "hài hòa lợi ích" và "công bằng xã hội"
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia phát lý về đất đai, nội dung thu hồi đất rất nhạy cảm, là nội dung tiềm ẩn bất đồng xã hội lớn nhất. Nghị quyết 18 đặt ra yêu cầu cao về đảm bảo "hài hòa lợi ích" và "công bằng xã hội".
“Chính sách thu hồi đất hiện nay được xây dựng theo phương pháp giống như điều 62 trong Luật Đất đai 2013 là phương pháp thống kê các dự án. Phương pháp này tiềm ẩn 2 điều bất hợp lý: Trong thực tiễn cuộc sống sẽ có những dự án mới, nếu chúng ta muốn Luật Đất đai ổn định, không phải là 10 năm sửa 1 lần thì không nên dùng phương pháp thống kê mà cần đặt ra những bộ tiêu chí, làm rõ nội hàm. Khi đã đưa ra những tiêu chí thì sau này những dự án mới sẽ đáp ứng được cả hai yêu cầu phát triển xã hội và vì lợi ích chung”, ông Đỉnh đề xuất.
Đóng góp về khoản 3 trong Dự thảo, sử dụng cụm từ “dự án được Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất”, ông Đỉnh cho rằng đây là điều không hợp lý vì toàn bộ Dự thảo không có quy định về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh với loại việc này.
Vậy nên, ông Đỉnh đề nghị sửa lại là “dự án được HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục phải thu hồi đất” là thuật ngữ đang sử dụng tại Luật Đất đai năm 2013, đồng thời sử dụng tại các Điều 47, 102 Dự thảo.
Cũng cùng đóng góp về nội dung thu hồi đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng nếu nhà đầu tư tự thoả thuận để đền bù thì không thể nào thực hiện được. “Vậy nên, trong bất kì dự án nào, từ nhà nước thu hồi đất cho đến những công trình công cộng, cũng như những dự án đầu tư thương mại nên có cơ quan chính quyền đứng ra dàn xếp, để cho các dự án được khai thông”, ông Hiệp khẳng định.
Nếu không kiểm soát thì mỗi nơi một kiểu
Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong hội thảo là quản lý giá đất. Theo đó, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Nghị quyết 18 của Trung ương đã xác định rõ về cơ chế thị trường. Nhưng ở dự thảo thì quy định chưa theo hướng định lượng khi dùng từ “phù hợp trong điều kiện bình thường”.
“Vậy thế nào là phù hợp? Phải có tiêu chí định lượng hơn là định tính. Lần này Chính phủ bỏ khung giá đất mà giao cho UBND tỉnh tự xây dựng bảng giá đất và nếu chúng ta không tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thì mỗi nơi một kiểu. Rồi giá “thị trường” thì phải xem đó là loại thị trường nào?”, ông Tuyến nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng quy định về giá đất cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013 là không thành công. Lý giải cho điều này, ông Tuyến nói luật vẫn giao cho UBND tỉnh quá nhiều quyền, từ quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; có quyền chuyển mục đích sử dụng đất; có quyền thu hồi đất và có quyền quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường. Điều này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất…
Vì vậy, ông Tuyến đề nghị nên có một cơ quan độc lập với UBND cấp tỉnh để định giá đất hay cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Bởi lẽ, việc giao quyền quyết định giá đất cho UBND tỉnh là không hợp lý, mà thực tiễn đã chứng minh khi các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất không những không giảm mà còn tăng lên.
Về vấn đề định giá đất này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải kết hợp hai đến ba phương pháp để xác định giá đất, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu các phương pháp trên cơ sở rất cần các ý kiến đóng góp của các địa phương để có thể xác định được giá đất thị trường chính xác nhất chứ không phải giá đầu cơ, thổi giá…