TP HCM: Đề xuất thay đổi tuyến BRT thành tuyến xe buýt xanh

21/12/2021 21:00

(NLĐO)- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM vừa có phương án tiếp tục triển khai Dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM trình lãnh đạo UBND TP.

Nhằm hạn chế những hệ lụy cũng như tác động xấu đến quan hệ giữa TP HCM với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cùng Sở Giao thông vận tải thống nhất kiến nghị UBND TP tiếp tục thực hiện Dự án phát triển giao thông xanh nhưng có điều chỉnh.

Việc triển khai thực hiện ngay sau năm 2022 nhằm tranh thủ nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO).

Cụ thể, sau khi ngồi lại đầu tháng 12, Ban Giao thông và Sở Giao thông vận tải thống nhất tiếp tục triển khai dự án trên nhưng có điều chỉnh. 

Theo đó, 2 đơn vị đề xuất thành phố chưa thực hiện loại hình "tuyến BRT" như dự án trước đây mà sẽ thay bằng loại hình "tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên" được phát triển thành mạng lưới và sử dụng nguồn vốn tiết giảm được qua quá trình rà soát, phân kỳ đầu tư để đầu tư xây dựng một số hạng mục, công việc…cho hệ thống giao thông công cộng toàn thành phố.

Ngoài ra, dự án điều chỉnh sẽ không để xảy ra các vấn đề, bất cập như dự án BRT Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua.

TP HCM: Đề xuất thay đổi tuyến BRT thành tuyến xe buýt xanh - Ảnh 1.

Mô hình tuyến BRT trước đây

Việc tiếp tục triển khai dự án này sẽ hạn chế những tác động xấu đến mối quan hệ hợp tác hiện tại và tương lai giữa TP HCM và Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ, cũng như không ảnh hưởng kết quả giải phóng mặt bằng đang triển khai…

Ngoài ra, TP HCM sẽ tiếp tục dùng nguồn vốn SECO để triển khai gói thầu "Tư vấn nghiên cứu bổ sung thiết kế đô thị, khung pháp lý, điều chỉnh quy hoạch phân khu trong hành lang BRT và nghiên cứu quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố" và nguồn vốn IDA để triển khai gói thầu BRT2-CS9 "Dịch vụ tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu.

Dự án này sẽ triển khai song song, đồng bộ với các giải pháp do Sở Giao thông vận tải thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 để đảm bảo sự tích hợp trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng và tăng cường các giải pháp khắc phục các tác động đến sản lượng hành khách do chậm trễ của tiến độ tuyến Metro 1; sự lấp đầy khu đô thị Thủ Thiêm; Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây mới; khép kín Vành đai 2, tác động của đại dịch Covid. 

Ngoài ra thành phố sẽ bổ sung 10 tuyến xe buýt gom cho tuyến xe buýt xanh chất lượng cao, triển khai đồng bộ đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông", nối kết với Bến xe Chợ Lớn và chợ Bến Thành.

Theo ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Giao thông, theo kết quả tính toán của đơn vị tư vấn, sau khi triển khai các giải pháp đồng bộ nêu trên và loại bỏ các thông số đầu vào liên quan đến những chậm trễ, sản lượng hành khách trong năm 2023 có thể đạt 25. 960 hành khách/ngày.

Ngoài ra, theo ông Phúc, để loại hình tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên đạt hiệu quả, thành phố phải phát triển thành mạng lưới trong thời gian sớm nhất và vận hành đồng bộ với hệ thống Metro, các tuyến xe buýt truyền thống sau khi tái cấu trúc hệ thống xe buýt thành phố để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của dự án.

Đến nay dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7 năm 2022 và khai thác cuối năm 2023.

TP HCM: Đề xuất thay đổi tuyến BRT thành tuyến xe buýt xanh - Ảnh 2.

Tuyến BRT sẽ thay thành xe buýt xanh có làn ưu tiên

Dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM xây dựng tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của thành phố có 2 hợp phần. Hợp phần 1 là phát triển hành lang xe buýt nhanh ( BRT), xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ và các hạ tầng hỗ trợ như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu và cuối, bãi hậu cần kỹ thuật và hệ thống quản lý hiện đại. Hợp phần 2 là tăng cường thể chế, thực hiện các hoạt động giám sát vá đánh giá bao gồm các nội dung đánh giá sự thành công của hệ thống BRT.

Dự án được phê duyệt năm 2013 do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 156 triệu USD, được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD, trong đó 121 triệu USD từ vốn Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng thành phố. 

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả dự án, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ thông qua tổ chức SECO với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD. Dự án trên được bổ sung để thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung TP Thủ Đức, kết nối trạm dừng BRT và đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống buýt BRT...