Sở Giao thông vận tải TP HCM (Sở GTVT) vừa có văn bản kiến nghị UBND TP bổ sung chênh lệch chi phí nhân công do tăng lương cơ sở và hỗ trợ lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2021 trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Sở GTVT kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, trợ giá năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (kể cả các tuyến hoạt động theo hình thức đấu thầu) với số tiền 150,54 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở GTVT kiến nghị thành phố chấp thuận việc áp dụng mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng và hệ số điều chỉnh lương tăng thêm để tính toán chênh lệch chi phí nhân công trong đơn giá đối với lĩnh vực xe buýt năm 2021, với mức trợ giá hỗ trợ là 37,46 tỉ đồng.
Do ngại dịch bệnh nên nhiều hành khách không đi xe buýt
Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh các nội dung trên với số chuyến xe buýt dự báo hoạt động trong năm 2021 là 2,75 triệu chuyến (giảm 2,457 triệu chuyến so với dự toán đã được duyệt) thì dự kiến tổng kinh phí trợ giá xe buýt trong năm 2021 là 925,4 tỉ đồng (giảm 565,5 tỉ đồng dự toán ngân sách được giao đối với trợ giá xe buýt năm 2021).
Nguyên nhân đề xuất điều chỉnh doanh thu hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh là nhằm chia sẻ phần nào khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn định, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng, từ đầu năm 2021 đến nay do tình hình dịch bệnh kéo dài, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động xe buýt do hành khách ngại đi xe, sinh viên, học sinh học trực tuyến.
Ngoài ra, hệ thống xe buýt vừa chạy vừa thực hiện giảm tần suất, giảm sức chứa trên 1 chuyến xe, thậm chí có giai đoạn phải ngừng hoạt động. Dự báo năm 2021, số chuyến xe buýt chỉ đạt 2,77 triệu chuyến (khoảng 52,9% số chuyến theo dự toán đã được phê duyệt).
Thống kê của trung tâm trên cũng cho thấy từ ngày 5-10 đến nay, hành khách đi xe buýt chỉ đạt 5-6 người/chuyến, giảm sâu so với giai đoạn trước dịch.
Sản lượng khách sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các đơn vị vận tải, thậm chí không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả các khoản phí như: Khấu hao phương tiện, lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm phương tiện…