Về xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi thăm người dân đường vào trang trại của lão nông Lê Văn Bàng (SN 1963), vừa được tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", không ai mà không biết. Ông Bàng chăn vịt thả đồng ngày xưa (biệt danh "Bàng vịt") nay đã là tỉ phú, mỗi năm thu nhập khoảng 1,5 tỉ đồng.
Từ "hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không"
Ngồi trong sân của ngôi nhà điều hành hai tầng của trang trại, lão nông Lê Văn Bàng mở lòng với khách rằng vợ chồng ông đã đi từ "hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không" để làm nên cơ nghiệp được như ngày hôm nay.
Ông Bàng là anh cả của 11 người em trong gia đình thuần nông, nghèo khó nên từ nhỏ, thấy bố mẹ quá vất vả, ông đã rời ghế nhà trường khi đang học lớp 10 để phụ giúp làm kinh tế nuôi các em ăn học.
Đến năm 1987, ông lập gia đình; sau hơn 1 năm sống chung với bố mẹ, vợ chồng bàn với nhau ra ở riêng để tạo dựng cuộc sống cho mình. Ông bàn với vợ chọn khởi nghiệp bằng nuôi vịt thả đồng. Bàn chân ông đã đặt dấu khắp mọi cánh đồng của quê hương cùng đàn vịt; vừa chăn vịt, vừa ấp trứng vịt để bán con giống cho bà con trong vùng. Cũng từ đó biệt danh "Bàng vịt" thành thương hiệu của ông.
Khi thấy nuôi vịt thả đồng hiệu quả kinh tế không cao bằng nuôi vịt thịt cao sản, gia đình ông đã chuyển sang mô hình nuôi vịt thịt từ năm 1996. "Có thể nói tôi là người đầu tiên trên đất Hà Tĩnh, Nghệ An mạnh dạn nuôi vịt lai này và đã thành công" - ông Bàng tự hào.
Đến năm 2004, ông nhận thầu 8,2 ha ao hồ, đất trũng vùng Đồng Kiện (đây là nơi giáp ranh giữa hai xã Cương Gián và Xuân Liên) để cải tạo thành ao hồ, làm chuồng nuôi vịt, kết hợp với chăn nuôi bò.
Lão nông Lê Văn Bàng chăm đàn lợn của gia đình
Đã làm giàu là phải quyết tâm
Chưa dừng lại, năm 2012, lão nông Lê Văn Bàng tiếp tục vay 3 tỉ đồng đầu tư xây dựng 3 chuồng nuôi lợn (heo) thương phẩm, liên kết với một công ty của Thái Lan, trên diện tích 2.100 m2, quy mô 1.800 con/lứa (mỗi năm 2 lứa); tạo việc làm ổn định cho 6 công nhân với mức lương mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng/người.
Hiện tại, quy mô đàn vịt của ông chỉ còn 1.500 con, gia đình đang tiếp tục đầu tư gia cố, tận dụng các ao nước để nuôi cá. Với 6 ha ao hồ nuôi cá chép, cá rô phi, cá trôi, cá leo..., mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng gần 30 tấn cá các loại, lãi khoảng 500 triệu đồng.
Ông Bàng cho biết tổng doanh thu từ trang trại của mình trong những năm gần đây đạt gần 4 tỉ đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 1,6 tỉ đồng/năm.
Ngoài việc chịu khó, chịu khổ, lão nông này nói mình cũng đã phải học tập, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi mới thành công.
"Trên chặng đường đã qua, cũng có những khi thất bại nhưng sự quyết tâm, ý chí và nghị lực muốn vượt lên số phận, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình đã giúp vợ chồng tôi trở nên mạnh mẽ" - ông Bàng bày tỏ.
Truyền cảm hứng
Với kết quả có được từ sự nỗ lực lao động không ngừng nghỉ, từ năm 2012 tới nay, gia đình ông Bàng luôn đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp quốc gia, nhiều năm vinh dự được bầu đại biểu dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc và Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến tỉnh giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020.
Đặc biệt, ông là 1 trong số 63 nông dân được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".
"Ông Bàng không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn truyền cảm hứng cho nông dân địa phương trong việc nỗ lực vươn lên với ý chí quyết tâm làm giàu thành công" - ông Nguyễn Hồng Khoan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ.