Chiều 14/12, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhiệm kỳ 2023-2028. Thượng tướng Lương Tam Quang (Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhiệm kỳ 2023-2028) chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã báo cáo hoạt động của hiệp hội từ sau đại hội đến nay. Theo đó, ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công vào ngày 8/9/2023, Hiệp hội đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để đưa Hiệp hội đi vào hoạt động.
Ngoài ra, đã xây dựng dự thảo các văn bản phục vụ hoạt động của Hiệp hội, chuẩn bị các điều kiện hoạt động của văn phòng hiệp hội và dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới...
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm triển khai hoạt động của Hiệp hội năm 2024 như: Hoàn thiện bộ máy tổ chức và nhân sự của hiệp hội; triển khai hoạt động của 4 ban chuyên môn đã được ban chấp hành thông qua gồm ban truyền thông; ban nghiên cứu, tư vấn và phát triển công nghệ; ban nghiên cứu, đào tạo chính sách, pháp luật và hợp tác quốc tế và ban đào tạo, phát triển, hỗ trợ hội viên và vận động tài trợ.
Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần sớm báo cáo phương án xây dựng một số tổ chức thuộc hiệp hội gồm Viện nghiên cứu, tư vấn chính sách, pháp luật về an ninh mạng; mạng lưới đào tạo, huấn luyện an ninh mạng, tạp chí An ninh mạng quốc gia. Trong đó, đề án thành lập Tạp chí An ninh mạng quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng cần thực hiện nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền, cảnh báo về an ninh mạng và nâng cao hình ảnh Hiệp hội.
Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho rằng, "việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, kiến thức, kỹ năng về an ninh mạng rất quan trọng, đặc biệt cần tập trung vào cảnh báo về các loại hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao mới, gây thiệt hại nghiêm trọng và bức xúc trong xã hội..’’.
Thượng tướng Lương Tam Quang cũng yêu cầu ''Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đề xuất, phối hợp xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an ninh mạng phù hợp với định hướng chiến lược và các chính sách an ninh mạng của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh mạng có tác động chi phối và sức ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của quốc gia.
Ngoài ra tổ chức bình chọn sản phẩm dịch vụ an ninh mạng tốt nhất năm 2024 để có sự ghi nhận, nâng tầng các sản phẩm dịch vụ an ninh mạng của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp an ninh mạng''.
Tại Phiên họp, ông Nguyễn Huy Dũng (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bày tỏ nhất trí với nội dung chuẩn bị, các việc sẽ thực hiện theo phân công Đề xuất kiến nghị đào tạo nhân lực, lợi thế của Việt Nam là nhân lực nhưng 3 năm gần đây khảo sát chất lượng và số lượng đầu vào suy giảm, 5 năm nữa sẽ thiếu hụt nhân lực. Cần huy động các giải thưởng để tạo sự phát triển bền vững.
Đóng góp ý kiến tại Phiên họp lần thứ nhất, Thiếu tướng Bạch Thành Định (Nguyên Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, Ủy viên BCH Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) cho rằng: "Cần có chính sách pháp luật để đẩy mạnh phòng chống lừa đảo và bảo vệ dữ liệu. Tiếp cận đến các thành phần đối tượng sử dụng/hoạt động nhiều trên không gian mạng như khối học sinh, sinh viên. Cần kết nối với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Thông tin & Truyền thông, tham gia các chương trình đào tạo cho người dân để công dân có kiến thức pháp luật và hiểu biết về không gian mạng Ngoài ra, cần hệ thống được năng lực những người có khả năng hoạt động trên ko gian mạng và triển khai sổ tay an toàn trên không gian mạng để truyền tải đến toàn dân".
Liên quan đến việc đẩy mạnh tuyên truyền về An ninh mạng, tại cuộc họp, Ông Vương Vũ Thắng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VCCorp, Uỷ viên BCH Hiệp Hội An Ninh Mạng quốc gia cho biết:
Việc đẩy mạnh tuyên truyền An ninh mạng trong toàn dân là điều vô cùng quan trọng. Các hoạt động truyền thông chính bao gồm: Các sự kiện tác động đến nhiều giới khác nhau; Truyền thông điệp gắn liền với đời sống nhân dân: phòng tránh lừa đảo, an toàn thông tin…Hiệp hội cần đầu tư và hỗ trợ cho hoạt động, mời các vị lãnh đạo có tiếng nói trong xã hội để tạo thêm tiếng vang.
Ông Vương Vũ Thắng cũng nhấn mạnh, VCCorp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông sẽ góp phần vào các công tác sự kiện, thành lập tạp chí của Hiệp Hội. Đồng thời ông cho biết, nội dung hoạt động của tạp chí không nên bó hẹp và cần mở rộng thêm về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, Công nghệ, VNeID…sát với đời sống và tiếp cận đến nhiều đối tượng người đọc.
Sau buổi làm việc, Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã kiện toàn cơ cấu nhân sự ban chấp hành Hiệp hội với việc bổ sung đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Đồng thời, Ban chấp hành cũng đã thảo luận và nhất trí cao biểu quyết thông qua 7 văn bản của Hiệp hội…