Thay đổi định kiến "người khuyết tật không thể làm gì trong thiên tai"

11/01/2022 17:00

(NLĐO) - Cả nước hiện có gần 7 triệu người khuyết tật. Các nghiên cứu cho thấy người khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia một cách chủ động và toàn diện vào phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Người khuyết tật (NKT) hoàn toàn có thể tham gia một cách chủ động và toàn diện vào phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là kết quả của dự án "Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình" sau hơn 4 năm thực hiện.

Dự án do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức phát triển quốc tế (CBM) CHLB Đức và Action Aid Việt Nam.

Sáng 11-1, thông tin đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết các mô hình sinh kế thực hiện trong khuôn khổ dự án tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình được cho thấy dự án không chỉ đưa các xã ở huyện Nho Quan trở thành nơi có công trình công cộng thân thiện với NKT, đem đến sinh kế cho hàng ngàn NKT và gia đình, mà còn góp phần thay đổi cơ bản một nhận thức đã ăn sâu vào định kiến rằng "người khuyết tật không thể làm gì trong thiên tai".

Thay đổi định kiến người khuyết tật không thể làm gì trong thiên tai - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết cả nước có gần 7 triệu người khuyết tật

Trong mô hình này, các hợp tác xã may; nuôi - đan bèo bồng xuất khẩu; hay nuôi ong do NKT và gia đình họ làm chủ đã được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể tự tin phát triển bền vững trong thị trường kể cả sau khi dự án kết thúc. Hơn 1,5 tỉ đồng được trao để xây dựng và phát triển 3 hợp tác xã. Nhiều hỗ trợ được trao bằng tiền mặt, tập huấn, kết nối thị trường, trang thiết bị sản xuất để sau 3 năm thành lập, 133 thành viên của HTX đều đi từ không đến có thu nhập từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng, từng bước tự chủ về kinh tế cho mình và gia đình mình, góp phần thúc đẩy hòa nhập NKT với cộng đồng xã hội.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ AFV, cho biết bên cạnh việc thực hiện thành công 3 mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị do người khuyết tật làm chủ, dự án còn góp phần cải thiện hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai các cấp và đảm bảo quyền lợi của NKT trong phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết Việt Nam hiện có gần 7 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm hơn 7% dân số, trong đó gần 3 triệu NKT đã được cấp giấy chứng nhận NKT. Trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, NKT là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Đánh giá cao tính khả thi và hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cho biết thực tiễn triển khai cho thấy NKT có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nếu các địa phương lồng ghép kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì NKT có thể tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch này một cách hài hòa và bền vững".

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền trong hỗ trợ NKT hòa nhập và thích ứng trong phòng chống thiên tai và BĐKH. Các khóa tập huấn, trợ giúp tâm lý và pháp lý, hoạt động tạo thu nhập của dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.500 NKT và gia đình ở huyện Nho Quan có một cuộc sống hài hòa ổn định và có tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng.

Mô hình của dự án về sự tham gia của NKT trong kiểm toán xã đã được lựa chọn vào chung kết giải thưởng toàn cầu "Zero Project" - dành cho các sáng kiến hay trên toàn thế giới về khuyến khích sự tham gia thực chất của NKT vào cuộc sống.