Sợ sốt, F0 uống thuốc tới hạ cả thân nhiệt

17/01/2022 13:00

Nhiều người khi trở thành F0 sợ hãi vô cùng đặc biệt chỉ thấy người hơi ngây ngấy sốt đã không ngần ngại uống thuốc hạ sốt, thậm chí uống nhiều lần.

Chị Vũ Thị Th., 33 tuổi, Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ cả gia đình chị 4 người vừa trải qua F0. Chị Th. làm nghề bán hàng, không xác định được nguồn lây. Khi xét nghiệm dương tính, F0 đã nhanh chóng cách ly nhưng các thành viên khác đều lần lượt dương tính. Cả nhà ai cũng thấp thỏm lo lắng, đặc biệt hai con của chị chưa tiêm vắc xin.

Chị liên tục sờ trán con, cảm thấy nóng là chị cho bé hạ sốt. Do bé có tiền sử sốt cao là co giật, nên chị phải theo dõi liên tục và cho uống thuốc hạ sốt, chỉ khi nào thấy con toát mồ hôi mới yên tâm.

Đột ngột, người bé lạnh, xanh tái, bà mẹ trẻ sợ hãi lấy nhiệt kế ra đo thì thân nhiệt của bé đã hạ thấp chỉ còn 35,4 độ C. Phát hoảng, chị Th. gọi điện cho bác sĩ nhờ hỗ trợ.

Nhiều F0 có thói quen thấy hơi sốt là lập tức uống thuốc hạ sốt. Có người khi phát hiện thân nhiệt hạ thấp, người nhà lo lắng cầu cứu bác sĩ mới biết vì quá sợ sốt mà F0 đã liên tục uống thuốc hạ sốt dẫn tới hạ thân nhiệt.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chia sẻ trường hợp của những bệnh nhân trên chỉ là một vài trong số trong hàng nghìn ca mà ông đã từng tiếp xúc và hỗ trợ qua điện thoại. Bác sĩ cho biết nhiều F0 chỉ lo sợ bị sốt vì nghĩ sốt là báo hiệu trở nặng và cố tìm mọi cách để hạ sốt xuống, uống thuốc không hạ lại uống tiếp, uống đủ các loại hạ sốt mà không biết rằng các thành phần của chúng như nhau đều là giảm đau hạ sốt.

Theo bác sĩ Khanh sốt là biểu hiện bình thường của cơ thể phản ứng với tác nhân virus. Không cần hạ sốt thì chỉ vài ngày sẽ hết sốt nhưng sốt làm cho người ta khó chịu nên mới cần giảm đau, hạ sốt chứ không phải thuốc hạ sốt là tiêu diệt virus, uống hạ sốt là sẽ hết bệnh Covid-19.

Bác sĩ Khanh cho rằng điều cần tuân thủ là chỉ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt trên 38,5 độ C, uống đúng khoảng cách thời gian, liều lượng mỗi 4 – 6 tiếng 1 lần. Nếu uống thuốc vào mà không hạ sốt thì người bệnh có thể chườm ấm, nới lỏng quần áo chứ không uống tăng liều lượng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – chuyên khoa hồi sức tích cực tại Hải Phòng từng tham gia hỗ trợ điều trị trực tuyến cho các F0 cho biết, người nhiễm Covid-19 nếu đã tiêm vắc xin thì không quá nguy hiểm, với trên 80% thể nhẹ và không có triệu chứng, nhưng sử dụng sai thuốc giảm đau hạ sốt hoặc các thuốc khác do không tuân thủ chỉ định thì tỉ lệ tử vong cao hơn. Nhiều F0 không có triệu chứng nhưng vẫn bằng mọi cách xin được đơn mấy chục viên thuốc/ngày uống mới yên tâm.

BS Dũng cho rằng thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol rất quan trọng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế biến chứng cho người bệnh, nhưng Paracetamol cũng rất nguy hiểm nếu dùng sai chỉ định hoặc quá liều. Thuốc có thể gây tổn thương gan cấp với tỉ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải do dịch bệnh.

BS Dũng nhấn mạnh chỉ dùng thuốc hạ sốt nếu người bệnh sốt trên 38.5°C hoặc đau đầu, đau mỏi cơ quá nhiều.

Cách dùng: Uống 1 liều 10mg - 15mg x số kg cân nặng. (ví dụ: Bệnh nhân nặng 50 kg, có thể uống 1 liều đến 1,5 viên thuốc 500mg). Tuy nhiên, tốt nhất nên khởi đầu với liều 10mg/kg, để phòng trường hợp phải sử dụng kéo dài, uống liều thấp để hạn chế độc tính của thuốc.

Bạn đang đọc bài viết "Sợ sốt, F0 uống thuốc tới hạ cả thân nhiệt" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.