Lĩnh vực cực hot sẽ ứng dụng mạnh AI, nhiều "ông lớn" thế giới này tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam

24/01/2025 21:46

Tại Việt Nam, đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như nhiều doanh nghiệp lớn.

Lĩnh vực cực hot sẽ ứng dụng mạnh AI, nhiều "ông lớn" thế giới này tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 1.

Hình minh họa bởi AI

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tham dự tọa đàm cùng các tập đoàn dược phẩm toàn cầu với chủ đề: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - Tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ".

Buổi tọa đàm này có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn dược phẩm lớn trên thế giới như AstraZeneca, Roche, Sanofi, Novartis, MSD, Safoni, Pfizer, Merck, Sumitomo, Pharma Group, Takeda, Ferring Pharmaceuticals.

Theo ông Bình, dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất, đặc biệt trong việc phát triển vắc-xin và thuốc. Nhận định này được Chủ tịch FPT đưa ra dựa trên kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu AI của FPT.

"Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu pháp triển AI và làm việc trực tiếp với các tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi đã thấy nhiều ý tưởng mới nảy sinh từ AI trong đa dạng các lĩnh vực", ông Bình tiết lộ.

Lĩnh vực cực hot sẽ ứng dụng mạnh AI, nhiều "ông lớn" thế giới này tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 2.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại tọa đàm: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - Tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ”. Ảnh: Chungta.vn.

Liên quan đến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, FPT đã và đang tích hợp công nghệ này góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế theo hướng cá nhân hóa thông qua các đổi mới như y tế từ xa và giám sát sức khỏe bệnh nhân theo thời gian thực.

Trong lĩnh vực dược phẩm, các giải pháp công nghệ của FPT đang góp phần nâng cao hoạt động trên mọi khía cạnh của ngành công nghiệp dược phẩm thông qua việc số hóa quy trình nghiên cứu và phát triển dược phẩm; Hệ thống nhà thuốc đa kênh tiên tiến (Advanced Pharmacy Omni-Channel System); Nền tảng quản lý thuốc toàn diện, kết nối bệnh nhân, bác sĩ và nhà thuốc thông qua hồ sơ y tế điện tử cho nhiều tên tuổi như Nhà thuốc Long Châu, Hitachi Medical Devices, Olympus, MedAvisor, Zuellig Pharma, BrightInsight.

Hàng năm, các giải pháp y tế của FPT hỗ trợ khoảng 30 triệu lượt khám chữa bệnh, giúp hàng chục nghìn cán bộ y tế nâng cao hiệu quả công việc và mang lại trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Hiện FPT đang đồng hành cùng hơn 300 Bệnh viện cả nước trong xây dựng hệ thống y tế thông minh, lấy người dân làm trung tâm.

Lĩnh vực cực hot sẽ ứng dụng mạnh AI, nhiều "ông lớn" thế giới này tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 3.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu mà một mô hình kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực dược phẩm của FPT. Thông tin từ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), năm 2024 với tổng doanh thu lũy kế đạt 40.104 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 527 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đặt ra và cải thiện mạnh so với năm 2023 thua lỗ.

Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đóng góp 25.320 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 63% tổng doanh thu toàn công ty.

Tại thời điểm cuối năm 2024, chuỗi nhà thuốc này có 1.943 cửa hàng, tăng 446 cửa hàng so với đầu năm. Doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc hàng tháng duy trì ở mức khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong năm 2024, FPT Long Châu còn tích cực mở rộng hệ thống tiêm chủng với việc mở mới 116 trung tâm, nâng tổng số lên 126.

Tại sự kiện, đại diện các tập đoàn dược phẩm chia sẻ về các dự án đầu tư vào hoạt động nghiên cứu lâm sàng, chuyển giao công nghệ sản xuất, các chương trình nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, vai trò của công nghệ và phát minh trong lĩnh vực y tế, dược phẩm. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác, mở rộng đầu tư vào Việt Nam , để đưa Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất cạnh tranh trong khu vực.