Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của 6 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco, Bamboo Airways, Vietravel trong tháng 7-2022.
Trong tháng 7, các hãng hàng không khai thác 33.238 chuyến bay, tăng 781,2% so với cùng kỳ 2021 và tăng 7,9% so với tháng trước.
Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 11.610 chuyến; VietJet Air khai thác 13.284 chuyến; Pacific Airlines khai thác 2.091 chuyến; VASCO khai thác 771 chuyến; Bamboo Airways khai thác 4.914 chuyến; Vietravel khai thác 568 chuyến.
Số chuyến bay bị chậm chuyến trong tháng 7 là 6.053 chuyến, chiếm 18,2 %. Tỉ lệ này tăng 16 điểm phần trăm so với cùng kỳ và giữ nguyên so với tháng trước đó.
Theo Cục Hàng không, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là do máy bay về muộn (chiếm tới 77,7% số chuyến bay bị delay) và do hãng hàng không (12,1%). Còn lại là các nguyên nhân khác: Thời tiết; trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay...
Vietnam Airlines có tỉ lệ số chuyến bay cất cánh chậm giờ cao nhất với 2.748 chuyến, chiếm 23,7% tổng số chuyến bay của hãng này trong tháng 7,
Vietjet có 2.528 chuyến chậm giờ, chiếm 19%.
Vasco có 117 chuyến chậm, chiếm 15,2%.
Pacific Airlines có 206 chuyến chậm, chiếm 9,9%.
Bamboo Airways có 408 chuyến chậm, chiếm 8,3%.
Vietravel có 46 chuyến chậm, chiếm 8,1%. Như vậy, hãng hàng không này có tỉ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành hàng không trong tháng qua với 91,9%.
Cũng trong tháng 7, các hãng hàng không Việt Nam có 41 chuyến bay bị huỷ, chiếm 0,12% số chuyến bay. Trong đó có 14 chuyến bị hủy vì lý do kỹ thuật; 4 chyến vì lý do thời tiết; 2 chuyến vì lý do thương mại, 2 chuyến vì lý do khai thác...
Trước đó, cuối tháng 6-2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không về việc có giải pháp xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm Hè.
Bộ yêu cầu khắc phục tình trạng quá tải tại một số sân bay, tình trạng chậm, hủy chuyến có xu hướng tăng cao, sản lượng vận chuyển vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, giao thông tiếp cận nhà ga ùn tắc, gây bức xúc cho hành khách cũng như dư luận xã hội...
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trên tiến hành một loạt biện pháp để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác điều phối slot (giờ cất, hạ cánh) chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật; giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không, thu hồi slot theo quy định; tăng cường kiểm tra. Các hãng hàng không thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định pháp luật; tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm...
Cục Hàng không đã lập nhiều đoàn kiểm tra về tình hình chậm huỷ chuyến bay do các Phó Cục trưởng dẫn đầu, đồng thời đích thân Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã trực tiếp thị sát Đài kiểm soát không lưu và Trung tâm điều phối khai thác (AOCC) Nội Bài, đánh giá thực trạng và nghe báo cáo giải pháp.
Tại buổi họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm, huỷ hồi đầu tháng 7, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nhấn mạnh phải áp dụng mọi biện pháp để rút ngắn các khâu, tăng cường năng lực điều hành, giảm chậm huỷ chuyến, khai thác chuyến bay nhiều hơn, nâng cao năng lực, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nếu áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm huỷ vẫn nhiều thì cũng phải cắt giảm số chuyến bay.