Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp vào đầu tháng 8-2023 để bàn, thương lượng điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Qua các chuyến khảo sát này, theo ông Ngọ Duy Hiểu, hầu hết các ý kiến mà tổ chức công đoàn thu nhận được, đó là người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2024 để bù đắp chi phí cuộc sống.
Ở giác độ là tổ chức bảo vệ người lao động, tổ chức công đoàn cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động cũng hiểu được những khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt.
Phần lớn người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2024. Song tăng mức bao nhiêu, trong quá trình thương lượng, các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí, chia sẻ, để có mức tăng phù hợp trong bối cảnh hiện nay"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, muốn đi "đường dài", họ sẽ tìm cách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng bày tỏ rất lấy làm tiếc khi tới thời điểm này, Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị chính sách tiền lương.
"Chính vì vậy các thành viên tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn phải mày mò áp dụng phương pháp tính cũ, mặc dù phương pháp này chưa thực sự tin cậy, nhưng các bên cố gắng chấp nhận để đảm bảo những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Nhiều năm qua, mức sống tối thiểu hàng tháng của lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm và nhóm phi lương thực gồm quần áo, giải trí, đi lại; nuôi con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tỉ lệ của nhóm chi phí dành cho nhóm lương thực là 48% và phi lương thực là 52%; chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% người lớn.