Sáng sớm, dòng người đổ đến con đường trước nhà Vũ Linh ngày càng đông, trong số đó có nhiều khán giả ở các tỉnh miền Tây.
Tại buổi diễn văn nghệ trước linh cữu tối 8/3, nhiều đồng nghiệp Vũ Linh cho biết hình ảnh dòng người đến viếng khiến họ nhớ thời hoàng kim của cải lương, khi sân khấu sáng đèn liên tục và người xem xếp hàng dài thưởng thức từng vở diễn. Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết nói bà biết ơn khán giả, bởi chính họ giúp nghệ sĩ tạo nên "một giai đoạn rực rỡ" của bộ môn nghệ thuật cổ truyền.
Trong 5 ngày lễ tang, ngoài người trong giới, hàng nghìn khán giả đến thắp hương, vái vọng. Áo đẫm mồ hôi vì đi hàng chục km từ Bình Dương lên TP HCM, ông Phú Quốc (55 tuổi) - làm nghề lái xe ôm - cho biết là fan của Vũ Linh từ thập niên 1990. Cả nhà ông, từ trẻ đến già, đều yêu thích các băng video thời Mưa bụi của nghệ sĩ. Ông nói: "Khi biết tin nghệ sĩ Vũ Linh qua đời, tôi nghẹn ngào còn vợ tôi cứ khóc. Dù không phải người thân, chúng tôi thấy ông quá đỗi gần gũi".
Khán giả Diệu Nghĩa, 92 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận chống gậy đi viếng. Con gái của bà cho biết: "Mẹ tôi mê Vũ Linh đóng cặp Tài Linh từ thời Mưa bụi, không bỏ sót tập nào, tới nay, bà vẫn xem lại. Dù tuổi già, có khi lẫn rồi, bà luôn xúc động khi nhắc tới tên Vũ Linh và thế hệ diễn viên gạo cội. Sáng nay, mẹ nói tôi đưa đến tang lễ bằng được".
* Đồng nghiệp, khán giả tiễn biệt nghệ sĩ Vũ Linh
"Nghèn nghẹn trong cổ họng" là cảm xúc thương tiếc của khán giả Ngọc Linh, 33 tuổi, quê Đồng Tháp, mỗi khi xem lại hình ảnh về nghệ sĩ Vũ Linh. Khán giả này nói: "Điện thoại tôi còn lưu nhiều hình ảnh của ông thời diễn cùng các cô đào như Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy".
Buổi đưa tang diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm. Nghệ sĩ Vũ Luân, con nuôi Vũ Linh - đại diện cảm ơn khán giả, cơ quan chức năng tạo điều kiện để gia đình chu toàn hậu sự cho cha trước lượng người viếng đông.
Nghệ sĩ Hữu Quốc gọi Vũ Linh là "nghệ sĩ toàn dân, trăm năm có một", thay mặt gia đình đọc điếu văn:
"Vũ Linh sống cho nhân vật nhiều hơn anh sống cho đời riêng. Không chỉ hôm nay, mà nhiều năm sau nữa, chúng tôi tin cuộc đời anh sẽ cung cấp nhiều đề tài cho những ai muốn tìm tòi sân khấu Việt Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Thiếu thời, anh vốn không xuất thân từ gia đình khá giả, không được học chữ nhiều nhưng khi phát hiện đam mê, anh quyết tâm theo nghề ca diễn, tầm sư học đạo, từ danh cầm Văn Vĩ đến cô Diệu Hiền, thầy Bửu Truyện, Thanh Tòng. Sân khấu cải lương sau năm 1975 vắng bóng nhiều danh ca, tuồng tích chuyển hướng, các nghệ nhân càng tuổi cao sức yếu, vài nghệ sĩ ra đi.
Nếu không có các nghệ sĩ yêu nghề, ham học hỏi như anh, chúng ta sẽ có khoảng trống khó lấp đầy ở nghệ thuật cải lương. Thường trong tuồng cổ, ai có thế mạnh vũ đạo thì bị lép về giọng ca, còn ai có được hơi ca thì khó tung hoành về vũ đạo. Vũ Linh đã điêu luyện hai yếu tố này, ngoài tổ nghiệp phú cho, không thể phủ nhận do các thầy cô chỉ dạy và do anh trì chí khổ luyện. Nhớ anh từng tâm sự, anh vẫn chưa vừa lòng hai năng khiếu đó.
Anh tự cho mình chưa được như các danh ca thời trước, sắc vóc cũng không hùng mạnh kiểu tùng bách vững chãi, anh trút tâm sức nghiên cứu học hỏi diễn xuất, đã vào vai nào phải ra khí chất, thần thái vai đó.
Hình ảnh những khán giả khắp nơi đổ về, có những người đi chân đất, đứng xếp hàng trật tự để được thắp nhang cho anh đã nói lên tình cảm đó. Bao dòng tâm sự chú Vũ Linh là một phần đời của má, của ngoại và cả của tôi".
Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời hôm 5/3 tại nhà riêng ở tuổi 65 sau thời gian bạo bệnh. Ông thuộc Thế hệ vàng của sân khấu cải lương Việt Nam sau năm 1975, là một trong những gương mặt đại diện lớp thế hệ nghệ sĩ cải lương từng đoạt giải Trần Hữu Trang đầu tiên, thập niên 1990. Ông tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Thập niên 1990, Vũ Linh kết hợp với Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ "thanh mai - trúc mã", được khán giả ngưỡng mộ vì tài năng ca diễn. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997
* Đêm văn nghệ tri ân nghệ sĩ Vũ Linh