Ngành khởi nghiệp Việt Nam ứng phó với "mùa đông" gọi vốn

26/11/2023 16:06

Một số báo cáo mới cho thấy tổng giá trị vốn đổ vào các startup Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, thấp hơn so với mức cùng kỳ của năm ngoái.

Ngành khởi nghiệp Việt Nam ứng phó với -mùa đông- gọi vốn - VTV.VN

Bắt đầu hoạt động từ năm 2022, thời điểm dòng vốn mạo hiểm toàn cầu thắt chặt, công ty khởi nghiệp Nhựa sinh học Buyo vẫn gọi được 2 vòng vốn từ quỹ ngoại. Đến nay tổng giá trị vốn gọi đạt 750.000 USD. Lý do là bởi startup đã chọn đúng lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm: nhựa sinh học phục vụ nhu cầu sản xuất tiêu dùng bền vững.

Chị Đỗ Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, CEO Công ty Nhựa sinh học Buyo, cho biết: "Thật ra trong bối cảnh gọi là "mùa đông gọi vốn" như thế này, người ta lại tìm đến các giá trị bền vững, lâu dài hơn. Cho nên với những ngành đi vào phát triển bền vững, đi vào vật liệu xanh, vật liệu thay thế, công nghệ sinh học, chúng tôi lại nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư mà không bị ảnh hưởng bởi thị trường chung".

Có thể nói thị trường vốn mạo hiểm Việt Nam đang ở trong giai đoạn thấp điểm nhất của 3 năm trở lại đây. Một số báo cáo mới cho thấy tổng giá trị vốn đổ vào các startup Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, thấp hơn so với mức cùng kỳ của năm ngoái.

Bà Nguyễn Phương Linh, đại diện Shinhan Square Bridge Việt Nam, cho biết: "Đầu tư mạo hiểm đã qua thời đầu tư nhanh và thu lợi nhuận nhanh, ở đây phải dựa trên cơ sở mang tính tác động đến môi trường, xã hội, và đạt được sự bền vững lâu dài. Đây cũng là chủ điểm mà các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn".

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bối cảnh nguồn vốn ngoại chững lại là lúc cần thúc đẩy các mô hình 'đổi mới sáng tạo mở' - nghĩa là liên kết nhu cầu của doanh nghiệp lớn và khả năng giải quyết vấn đề của startup, để tận dụng nguồn vốn trong nước.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra các chương trình hợp tác, liên kết công tư, giữa các vườn ươm, trường đại học cùng với các tập đoàn lớn, khu vực tư nhân để chúng ta có thể tranh thủ các nguồn vốn hiện có ở chính nước mình".

Theo giới chuyên gia, các giải pháp cải cách thể chế chính sách sẽ có vai trò rất quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện các quy định thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam sao cho tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.