Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra sáng 2-8, bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài Covid-19, bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... đang trong mùa cao điểm bùng phát làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Mắc Covid-19, sốt xuất huyết tăng
Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm, bộ đã ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 mới và đang có xu hướng tăng trở lại do xuất hiện các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn những biến chủng trước, mới nhất là chủng BA.2.12.1, BA.2.75.
Trong 3 tuần gần đây, số ca nhập viện và tử vong đã gia tăng trở lại. Số ca mắc mới trong tuần qua tăng 48% so với tuần trước, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh tái bùng phát. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, với 136.075 ca, 45 trường hợp tử vong trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2021, số ca bệnh tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bà Đào Hồng Lan cho rằng trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay, giải pháp phòng chống Covid-19 là theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác". "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong" - quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện WHO cũng khẳng định chiến lược tiêm vắc-xin vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi liên tục xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19. Mục tiêu của ngành y tế là tiêm hoàn thành nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi đi học, với khoảng 4 triệu cháu cần tiêm mũi 1 và 7,5 triệu cháu cần tiêm mũi 2.
Bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh sáng 2-8 Ảnh: TRẦN MINH
Chưa có ca mắc đậu mùa khỉ
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong 7 tháng đầu năm, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Ông Tâm cảnh báo ngoài duy trì các giải pháp phòng chống Covid-19 thì ngành y tế cùng người dân cũng cần duy trì các biện pháp chống dịch sốt xuất huyết. Đến nay thế giới đã ghi nhận 21.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 78 nước và có 7 ca tử vong.
Ông Tâm cho hay ngành y tế đang kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch cửa khẩu. Hành khách đi từ quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện các ca nghi nhiễm, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán. "TP HCM có văn bản xin phép Bộ Y tế thực hiện khai báo ở cảng hàng không, song WHO đánh giá mức độ dịch toàn cầu đang ở trung bình, còn Việt Nam ở mức thấp đến trung bình. Do đó, việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang xin ý kiến Hội đồng khoa học để xem xét triển khai khai báo y tế" - ông Tâm nói.
Bộ Y tế cho biết thêm tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Việt Nam là rất cao, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bộ đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch như: chưa có trường hợp bệnh xâm nhập Việt Nam; có trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và dịch lây lan ra cộng đồng. Có 3 nhóm đối tượng cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng khi mắc đậu mùa khỉ gồm: trẻ nhỏ - phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ
Trước tình hình ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, UBND TP HCM đã chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Trong tháng cao điểm này, Sở Y tế yêu cầu 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố (Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố) luôn sẵn sàng các đội tiêm để tăng cường số điểm tiêm và số bàn tiêm cho tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM sẵn sàng bố trí xe cấp cứu tại những khu vực có điểm tiêm.
H.Yến