Khối doanh nghiệp tư nhân là tiên phong cho ứng phó biến đổi khí hậu

15/10/2021 20:13

Cộng đồng các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, chủ động tiếp cận thông tin và xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững.

Chiều nay 15/10, Hưởng ứng ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày Doanh nhân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh”.

Đây là hoạt động góp phần thiết lập và phát triển mạng lưới, kết nối các doanh nghiệp trên toàn quốc trong các hoạt động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. 

Dịch bệnh, thiên tai và sự tác động tới doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên cả nước đã gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng. Dịch bệnh làm cho mỗi chúng ta đều cảm giác mình đang sống trong một môi trường đầy bất trắc, tiềm ẩn vô vàn những nguy cơ”.

Sự kiện - Khối doanh nghiệp tư nhân là tiên phong cho ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.

Cùng với dịch bệnh, thiên tai đang là mối hiểm họa lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo ông, với kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành ứng phó và giảm thiểu với tác động do thiên tai gây ra cho thấy doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của thiên tai, ảnh hưởng nghiệm trọng đến điều kiện kinh doanh liên tục, đôi khi làm đứt gẫy chuỗi sản xuất.

Theo báo cáo của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tác động của thiên tai đến doanh nghiệp chủ yếu là tiêu cực, gây ra nhiều trở ngại cho hoạt động kinh doanh, giá trị tổn thất trong năm qua trung bình khoảng 20 triệu đồng/doanh nghiệp và ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nông nghiệp. 

Thêm vào đó, theo khảo sát tháng 9/2021 của VCCI thống kê 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020 do ảnh hưởng từ Covid-19.

Khối doanh nghiệp tư nhân cần là nhóm tiên phong

Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều rủi ro đan xen đến từ thiên tai, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đều cần có sự chuẩn bị, chủ động tiếp cận thông tin và xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững.

Từ đó, Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu: “Khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có nhiều đóng góp ấn tượng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.

Sự kiện - Khối doanh nghiệp tư nhân là tiên phong cho ứng phó biến đổi khí hậu (Hình 2).

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Ông đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã áp dụng những mô hình tăng trưởng xanh, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu đầu vào, áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng năng suất. 

Hơn nữa, doanh nghiệp đã nghiên cứu và phát triển các loại hạt giống chịu được khí hậu khắc nghiệt. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng doanh nghiệp cũng là một trong những đối tượng chính hỗ trợ các cơ quan Nhà nước và cộng đồng thực hiện công tác phòng chống thiên tai hiệu quả thông qua sản xuất tạo ra của cải đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của xã hội cũng như sản xuất nhu yếu phẩm, hàng hóa để khôi phục sản xuất.

Cụ thể, một số doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã hỗ trợ các địa phương thiết kế, lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai hay công nghệ phòng, chống sạt lở bờ sông bờ biển tại các địa phương. 

Bên cạnh việc xác định rõ vai trò của khối doanh nghiệp, Tổng Thư ký VCCI - ông Nguyễn Quang Vinh còn cho thấy rằng doanh nghiệp vẫn cần được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn và cần được kết nối để chủ động tương tác với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. 

Đặc biệt, điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường, thích ứng an toàn với dịch bệnh, từ đó tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp “kiên cường” trước thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Sự kiện - Khối doanh nghiệp tư nhân là tiên phong cho ứng phó biến đổi khí hậu (Hình 3).

Tổng Thư ký VCCI - Ông Nguyễn Quang Vinh.

Đồng thời, để thúc đẩy hợp tác và triển khai các hoạt động thực chất hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã cùng Tổng Cục Phòng chống thiên tai và UNDP đã thành lập Nhóm công tác thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh. 

Nhóm công tác sẽ tập trung vào ba mục tiêu lớn: Đầu tiên, tăng cường nhận thức, năng lực và sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác công – tư trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Cuối cùng, kết nối và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh.