Hà Nội: Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức có ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng?

04/10/2021 10:00

Chuyên gia y tế cho rằng việc Hà Nội xuất hiện các F0 vẫn nằm trong dự báo vì không thể trở về “zero Covid-19”.

Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức phức tạp

Như đã đưa tin, sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng thì đến chiều 30/9, Hà Nội ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Các ca bệnh xuất hiện tại bệnh viện Việt Đức, quán cơm số 77 Phủ Doãn (cạnh bệnh viện Việt Đức) và tại một số cơ quan doanh nghiệp nằm rải rác tại các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm.

Sự kiện - Hà Nội: Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức có ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng?

Phong toả tạm thời nhiều tuyến phố quanh Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo Sở Y tế Hà Nội, chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 30/9 đến sáng 3/10 ghi nhận 25 ca mắc mới. Liên quan đến ổ dịch này, đêm 2/10, lực lượng chức năng đã bắt đầu đưa hơn 1.000 người có liên quan đi cách ly tập trung.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nhận định, ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất phức tạp.

Theo bác sĩ Tuấn: “Việt Đức là bệnh viện lớn, không gian lại chật hẹp, khép kín, có sự luân chuyển bệnh nhân ở các khoa và các bệnh viện bạn, sự giao lưu của nhân viên y tế trong bệnh viện. Điều khó khăn nhất là chưa xác định được nguồn lây. Từ khi phát hiện ra F0 đầu tiên cũng đã trải qua 2,3 chu kỳ và đến bây giờ cũng trải qua 4,5 chu kỳ nên rất phức tạp”.

Sự kiện - Hà Nội: Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức có ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng? (Hình 2).

Đêm 2/10, lực lượng chức năng đã bắt đầu đưa hơn 1.000 người có liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Việt Đức đi cách ly tập trung (Ảnh: Phạm Tùng).

Vị bác sĩ này cho biết, vấn đề hiện nay là Hà Nội phải tích cực truy vết , khoanh vùng, xét nghiệm để phát hiện F0.

Tất cả các nhà thuốc Tây khi thấy có người mua thuốc hạ sốt thì phải lưu ý báo cho y tế địa phương. Các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở xét nghiệm đặc biệt quan tâm xét nghiệm khi người nhà và bệnh nhân đến khám để xét nghiệm Covid.

“Khuyến khích người dân tự xét nghiệm nhanh khi nghi ngờ và tự giác khai báo y tế, tránh tư tưởng sợ bị cách ly, sợ bị kỳ thị mà không khai báo hoặc khai báo không trung thực. Đây là cuộc chiến của toàn dân, ý thức của người dân, sự hợp tác chống dịch của mỗi người, của tổ dân phố, của địa phương là rất quan trọng. Hy vọng Tp.Hà Nội và mỗi người dân tận dụng được “thời gian vàng” này để dập dịch”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Từ ổ dịch Việt Đức, bác sĩ Tuấn cho rằng đây cũng là bài học cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Bệnh viện là nơi cứu chữa bệnh nhân, nhưng nếu chủ quan thì cũng dễ trở thành ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát và lây lan nhanh ra cộng đồng vừa rộng vừa sâu.

“Không nên vội vàng đóng lại”

Nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu Hà Nội có nguy cơ bùng dịch trở lại, có nên chăng xem xét siết chặt lại một số dịch vụ mới được mở cửa trở lại?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin ngày 3/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng ông đã từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ xuất hiện những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội vẫn còn.

Theo ông, những trường hợp mới được phát hiện đều là những người có lịch sử đi lại nhiều là nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: trong bệnh viện, nhân viên giao nhận hàng, chăm sóc khách hàng… Theo tôi, đây vẫn nằm trong dự báo vì không thể trở về “zero Covid-19” được. Ngoài cộng đồng có thể vẫn còn nên người dân đừng chủ quan. Đặc biệt, khối bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi vẫn còn tình trạng người dân đi lại, chăm sóc người bệnh”.

Sự kiện - Hà Nội: Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức có ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng? (Hình 3).

PGS.TS Trần Đắc Phu trả lời Người Đưa Tin.

Trả lời thắc mắc về việc Hà Nội có nên xem xét cân nhắc siết chặt một số hoạt động vừa được mở cửa, ông Phu cho rằng “từ từ” để đánh giá nguy cơ ổ dịch khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Ông Phu nói: “Theo tôi nghĩ dịch cũng chủ yếu xảy ra trong bệnh viện chưa bùng phát rộng ra bên ngoài. Không nên vội vàng đóng lại, mà điều cần làm đó là đẩy mạnh ý thức phòng dịch của người dân”.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, nhiệm vụ cần làm lúc này đó là ngăn chặn dịch bùng phát, cần phải tăng cường giám sát đối tượng có nguy cơ cao như: siêu thị, nhân viên trong chuỗi cung ứng- nhân viên giao hàng, bán hàng online…

Cùng với đó, hàng ngày phải xét nghiệm tất cả các trường hợp ho sốt, có dấu hiệu dịch tễ, nghi ngờ, ngoài ra những vùng có nguy cơ cần được tăng cường xét nghiệm, giám sát.

“Việc tiêm phòng không giảm sự lây nhiễm, người đã tiêm phòng vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm và truyền bệnh cho người khác. Hà Nội vẫn còn nhiều người từ tỉnh khác trở về chưa được tiêm vắc-xin. Do đó, cần phải cảnh giác. Đừng nghĩ tiêm vắc-xin rồi là không bị bệnh, việc tuân thủ 5K là để giữ cho bản thân và những người chưa được tiêm chủng trong đó có số lượng lớn trẻ em”, ông Phu nhấn mạnh.

Ông Phu cũng cho biết điều quan trọng nhất lúc này chính là ý thức phòng dịch của người dân.

Bộ Y tế sẽ thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Việt Đức ngày 1/10, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trước mắt, bệnh viện phối hợp với CDC Hà Nội phải xét nghiệm thật nhanh để xác định vùng nào là vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng tại bệnh viện này. Bộ Y tế sẽ thành lập Tổ công tác để cùng với Bệnh viện Việt Đức xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch và tổ chức khám, chữa bệnh, ngăn chặn, khống chế không để nguồn lây ra cộng đồng. Bộ Y tế cũng đồng ý với đề xuất của Bệnh viện Việt Đức điều chuyển thuốc Remdesivir được cấp cho bệnh viện từ Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Việt Đức tại Tp.HCM chuyển về Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội để điều trị trường hợp F0 tại bệnh viện.