Giáo sư David J. Rogers: Chuyển đổi số không phải công nghệ mà là kinh doanh và khách hàng, phải toàn diện và liên tục

08/11/2023 20:09

Giáo sư David L. Rogers cho rằng, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ mà phải xác định cả việc thay đổi tư duy

Chiều ngày 8/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai". Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Tham dự hội thảo còn có đại diện của các Bộ, Ban, Ngành, của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết MB kỳ vọng hội thảo sẽ mang lại những góc nhìn mới về chuyển đổi số và kinh tế số trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư David L. Rogers: Bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ mà phải xác định cả việc thay đổi tư duy

Là diễn giả đầu tiên trình bày tại Hội Thảo, Giáo sư David L. Rogers cho biết đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và ông rất vinh dự khi được chia sẻ về chủ đề chuyển đổi số. Ông nói chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số không ngừng thay đổi. Đây là thách thức diễn ra trong rất nhiều ngành hiện nay và cũng sẽ ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các doanh nghiệp.

Giáo sư David L. Rogers khẳng định bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ mà phải xác định cả việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Lấy thí dụ về một số lĩnh vực, sâu hơn là ngành tài chính ngân hàng, Giáo sư khẳng định, quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Ông dẫn liệu nghiên cho thấy có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã không mang lại kết quả mong muốn.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra nhóm rào cản với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm: không có tầm nhìn chung; không có kỷ luật trong xác định ưu tiên; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.

Đồng thời ông khẳng định chuyển đổi số phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong chuyển đổi số, phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này.

Lộ trình 5 bước chuyển đổi số

Giáo sư David L. Rogers đã đưa ra lộ trình chuyển đổi số bao gồm 5 bước thông qua sự nghiên cứu của cá nhân ông, bao gồm xác định được tầm nhìn chung; lựa chọn những vấn dề quan trọng nhất; kiểm chứng các thử nghiệm mới; quản lý tăng trưởng quy mô lớn và không ngừng tăng trưởng về năng lực.

Về việc xác định tầm nhìn chung, Giáo sư David L. Rogers đặc biệt lưu ý tới việc các doanh nghiệp cần định hướng tương lai; hình dung ra sự tác động của doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không thể không chú ý tới vấn đề thu hồi khoản đầu tư cho quá trình chuyển đổi số.

Bước thứ hai là lựa chọn các vấn đề quan trọng cần tập trung, Giáo sư khẳng định: Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là chuyển đổi về công nghệ.

Dẫn chứng trường hợp ChatGPT, Metaverse…, ông cho rằng đây chỉ là các công cụ để giúp các doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu tương lai của mình. Để thành công, các doanh nghiệp cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh.

“Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi tìm cách giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập vị thế đi trước trên thị trường”, Giáo sư David L. Rogers nói.

Trong bước thứ ba-kiểm chứng các thử nghiệm mới, GS David Rogers khẳng định: Thay vì lập ra các kế hoạch theo mô hình truyền thống, các doanh nghiệp thành công đã không ngừng áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình chuyển đổi số của mình. Ông cũng dẫn chứng sự thành công cũng như thất bại của CNN, Walmart…, chuyên gia gợi mở: Tại sao không bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ mà lại tập trung vào những kế hoạch quá tốn kém mà lại dễ thất bại? Các nhà khoa học cũng thường bắt đầu bằng các giả thuyết chứ không khởi đầu bằng kế hoạch. Chúng ta cũng nên tập thói quen không ngừng thử nghiệm nhỏ để rút ra bài học, từ đó dẫn tới thành công.

Về bước thứ 4 trong lộ trình chuyển đổi số, Giáo sư David L. Rogers khẳng định: Quản trị là phần không thể bỏ qua. Chuyển đổi số phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức.

Cuối cùng, về phát triển năng lực, chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi, bao gồm Công nghệ số, Nhân tài số, Văn hóa số. Đây cũng là 3 yếu tố rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai.

Gợi mở về yếu tố công nghệ, Giáo sư David L. Rogers cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra công nghệ số phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm ra… nhân tài số. “Các chuyên gia lập trình, AI… có đủ kinh nghiệm, phù hợp và có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm rất quan trọng trong quá trình này. Để tạo nên nguồn lực này, các công ty có thể thông qua quá trình chuyển dụng, tự đào tạo… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra môi trường tốt để giữ chân nhân tài”, vị diễn giả này nói.

Về văn hóa số, dẫn chứng từ Netflix và Amazon, Giáo sư Rogers cho rằng: Các tổ chức, doanh nghiệp cần tạo ra sự thay đổi về văn hóa, truyền cảm hứng cho quá trình chuyển đổi tới tất cả thành viên của mình. Quá trình này cần được thực hiện từ những bước thấp nhất, lồng ghép sự thay đổi trong tất cả các hoạt động thường ngày.

Kết thúc phần trình bày, Giáo sư David J. Rogers đúc kết, thứ nhất, chuyển đổi số không phải là công nghệ, mà đó là về kinh doanh và khách hàng. Thứ hai, chuyển đổi số không thể chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. Thứ ba, chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục./.