Đồng loạt xả lũ, miền Trung ngập nặng

01/12/2021 09:00

Mưa lớn cùng với việc đồng loạt xả lũ ở các hồ thủy điện, thủy lợi khiến nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề * Đắk Lắk, Gia Lai: Di dời nhiều người bị lũ cô lập

Chiều 30-11, Đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên do ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã có chuyến thị sát tình hình xả lũ ở thủy điện Sông Ba Hạ cũng như tình trạng ngập nặng ở TP Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Trên xả dưới cũng phải xả!

Tại tràn xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ, 12 cửa xả nước tuôn xối xả, bọt tung trắng xóa. Ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết hiện 12 cửa xả này đang xả lũ với lưu lượng 9.000 m3/giây, cộng với 400 m3/giây xả nước chạy máy, thủy điện này đang đẩy về hạ du với lưu lượng nước khổng lồ. "Mưa lớn kéo dài, các thủy điện trên thượng nguồn như An Khê - Kanak, Krông H’năng, Đắk Krông đều xả lũ với lưu lượng lớn, đổ nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ, buộc chúng tôi cũng phải xả lũ với lưu lượng lớn như vậy để bảo đảm an toàn" - ông Lý nói.

Cùng với thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Sông Hinh trong ngày cũng xả lũ với lưu lượng hơn 2.000 m3/giây, góp phần gây ngập nặng vùng hạ du sông Ba.

Nằm trên thượng nguồn sông Kỳ Lộ, thủy điện La Hiêng 2 cũng đang xả nước qua tràn với lưu lượng gần 100 m3/giây. Cùng với đó, 50 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong ngày đồng loạt xả lũ, trong đó có 3 hồ thủy lợi lớn (hơn 10 triệu m3/hồ) phải xả lưu lượng cao, gồm hồ Đồng Tròn, hồ Phú Xuân và hồ Suối Vực. Mưa lớn ở hạ lưu cùng với việc đồng loạt xả lũ ở các hồ thủy điện, thủy lợi nên nước trên các sông ở Phú Yên lên rất nhanh, nhiều sông vượt mức báo động 3, gây ngập và thiệt hại nặng nề.

Ông Trần Hữu Thế cho biết việc đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn bất ngờ của các thủy điện thượng nguồn sông Ba đã gây khó khăn không nhỏ trong việc điều tiết chống lũ của tỉnh Phú Yên.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến chiều 30-11, tỉnh này đã di dời, sơ tán gần 11.500 người của gần 3.400 hộ dân ở các vùng trũng thấp.

Đồng loạt xả lũ, miền Trung ngập nặng - Ảnh 1.
Đồng loạt xả lũ, miền Trung ngập nặng - Ảnh 2.

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn (ảnh trên) khiến nhiều vùng hạ du bị ngậpẢnh: HỒNG ÁNH

Lại phải chạy lũ

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 30-11, cùng với Phú Yên, nhiều địa phương từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và một số tỉnh Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, kèm với việc xả lũ đã gây ngập trên diện rộng.

Tại các địa phương miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, mưa lớn, lượng nước đổ về các hồ thủy điện nhiều buộc các thủy điện, như thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn), thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) phải xả lũ điều tiết xuống hạ du. Việc xả lũ này khiến nhiều khu vực ven sông và hạ nguồn Thu Bồn, như tại huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, TP Hội An chìm trong nước.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, nước lũ trên sông Trà Câu (thị xã Đức Phổ), dâng cao trên mức báo động 3 khoảng 0,6 m khiến hàng trăm nhà dân bị ngập, có nơi lên đến 1 m; nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tại huyện Nghĩa Hành, gần 100 hộ dân của xã Hành Tín Tây phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ở huyện Ba Tơ, đến chiều 30-11, 10 cây cầu bị ngập, chia cắt nhiều khu dân cư.

Một trong những địa phương thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ này là tỉnh Bình Định. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, gần 19.000 nhà dân ở hạ du các sông Hà Thanh, Kôn, La Tinh, Lại Giang… bị nước lũ cô lập. TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát đã di dời 500 hộ dân đến nơi an toàn.

Nhiều địa phương của tỉnh Bình Định cũng bị thiệt hại nặng nề về lúa, hoa màu, vật nuôi, cây trồng, hạ tầng giao thông. Điển hình như huyện An Lão có 1 ngôi nhà bị sạt lở; 43 ha dâu tằm bị ngập, 6,2 ha ruộng bị sa bồi; 21 vị trí đường giao thông liên xã bị sạt lở; 1.500 m kênh mương bị bồi lấp; 26 đập tạm bị nước cuốn trôi. Tỉnh Bình Định cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mưa lũ, trong đó có bà Đinh Thị Đát (SN 1956; ngụ thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua vùng nước chảy xiết bị nước cuốn trôi, được tìm thấy thi thể vào chiều 29-11. 

Xả nước theo quy trình!

Ngày 30-11, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ban hành công điện gửi các bộ ngành, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, bảo đảm an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công điện dẫn báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tại các địa phương trên tiếp tục có mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi có tổng lượng mưa đến 800/mm, gây ngập lụt trên diện rộng. Do mực nước tại một số sông đã vượt mức báo động 3, hầu hết các hồ chứa trong khu vực đã đầy nước nên một số hồ, đập phải điều tiết xả tràn theo quy trình. Những ngày tới, các địa phương trên có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất; rủi ro thiên tai cấp 3.

Đắk Lắk, Gia Lai: Di dời nhiều người bị lũ cô lập

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, mưa lũ trong những ngày qua khiến trên địa bàn tỉnh có 1 người chết, 1 người mất tích; nhiều khu vực dân cư bị chia cắt; thiệt hại nhiều tài sản của người dân, đường sá, cầu cống. Tại dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, có gần 600 hộ ở khu vực lòng hồ bị cô lập, được các lực lượng chức năng hỗ trợ di dời.

Tại tỉnh Gia Lai, từ đêm 29 đến rạng sáng 30-11, mực nước trên sông Ba lên nhanh khiến nhiều nơi bị ngập sâu trong nước. Do lũ lên nhanh, 15 người dân từ tỉnh Bình Định lên bãi bồi giữa sông Ba (thuộc địa phận xã Chư Drăng và Chư Gu) thuê đất trồng dưa hấu bị mắc kẹt, rất may những người này được giải cứu an toàn.

Còn tại huyện Ia Pa, mưa lớn làm cô lập thôn Bôn Jứ (xã Ia Broăi) với hơn 1.200 người dân... Một số trường học trên địa bàn huyện này đã cho học sinh 2 trường có nguy cơ bị ngập lụt nghỉ học.

C.Nguyên- H.Thanh

Bạn đang đọc bài viết "Đồng loạt xả lũ, miền Trung ngập nặng" tại chuyên mục TIN TỨC.