Ngày 1-8-2008, thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12. Trong ảnh là xã Hạ Mộ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội ( trước khi sáp nhập là tỉnh Hà Tây).
Từ đó đến nay, thủ đô có thêm nhiều công trình mới. Trong ảnh là hàng loạt tòa cao ốc tại khu vực Pháp Vân (huyện Thanh Trì) và nút giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ cửa ngõ phía Nam của thủ đô.
Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội sau 15 năm chuyển mình rõ rệt với việc mọc lên rất nhiều tòa cao ốc, công trình giao thông, đô thị ở khắp các quận, huyện. Trong ảnh là công viên Thiên văn học tại quận Hà Đông.
Thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008), thủ đô Hà Nội với dân số ở mức 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Sau 15 năm phát triển, đến nay dân số đã lên mức hơn 8,5 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm sáp nhập), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Quận Cầu Giấy có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất Hà Nội. Cùng với huyện Từ Liêm (cũ), đây cũng là địa giới kết nối TP Hà Nội (cũ) với tỉnh Hà Tây trước khi sát nhập năm 2008.
Quận Cầu Giấy tập trung rất nhiều khu đô thị, tòa nhà văn phòng, trường học, cơ sở kinh doanh... nên mật độ dân số khá đông đúc.
Những tòa nhà "chọc trời" ở Hà Nội xây dựng sau dấu mốc 2008 như Keangnam (72 tầng) từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở thủ đô, vận hành chính thức từ cuối năm 2021, tới nay đã trở thành phương tiện công cộng được rất nhiều người dân lựa chọn.
Đây cũng là một trong những giải pháp về phương tiện giao thông công cộng trong thời điểm mật độ các tòa nhà tăng lên chóng mặt ở thủ đô. Dân cư tăng kéo theo phương tiện cá nhân tăng, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện nhiều năm qua.
Quận Tây Hồ cũng thể hiện sự phát triển nhanh chóng với những tòa cao ốc mọc lên sừng sững.
Dày đặc các tòa nhà mọc lên cho thấy Hà Nội ngày càng chật chội.
Cầu Nhật Tân là một trong những công trình tiêu biểu nhất được xây dựng ngay sau giai đoạn Hà Nội sáp nhập. Khởi công tháng 3/2009 và đến 2015 cây cầu mới khánh thành và đưa vào sử dụng.
Cầu Đông Trù có chiều dài 1.240 m, trong đó cầu chính dài 500 m, được xây dựng theo kiểu vòm ống thép nhồi bê tông là một trong những cây cầu có vai trò quan trọng, góp phần giảm áp lực cho các tuyến giao thông khác của thủ đô. Đây cũng là cây cầu trọng điểm khu vực phía Đông Bắc của Hà Nội nối liền huyện Đông Anh và quận Long Biên.
Khu vực quận Long Biên nằm bên kia sông Hồng cũng đã mọc lên những công trình lớn.
Đại lộ Thăng Long hiện dài nhất Việt Nam với hơn 29 km, chiều rộng trung bình 140 m, điểm đầu là nút giao Trung Hòa và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc được đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Công trình thông xe vào tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kết nối đô thị vệ tinh Hòa Lạc 600.000 dân với trung tâm Hà Nội.
Sân vận động Mỹ Đình khánh thành năm 2003, khi đó xung quanh vẫn chủ yếu là đồng ruộng. Sau 20 năm, quỹ đất quanh sân dường như không còn, thay vào đó là dày đặc nhà cao tầng mọc lên san sát.
Ngoài ra với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng đưa vào sử dụng thể hiện tốc độ đô thị hóa ở thủ đô ngày càng nhanh chóng. Trong ảnh là cầu vượt chữ C tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được khánh thành vào cuối tháng 6-2023.