Di chứng khó lường sau khi khỏi Covid-19

17/01/2022 16:11

Nhiều bệnh viện ở TP HCM tiếp nhận hàng ngàn người đến khám do xuất hiện những di chứng nguy hiểm sau khi khỏi Covid-19, trong đó không ít trường hợp phải can thiệp ngay và điều trị lâu dài

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết tính đến ngày 11-1, thành phố có hơn 500.000 người mắc Covid-19. Trong số này, hơn 300.000 người với các triệu chứng từ nhẹ, trung bình, nặng đến nguy kịch đã khỏi bệnh. Do đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 là vấn đề được ngành y tế TP HCM rất quan tâm.

Nhiều di chứng nặng nề

Sau gần 2 tháng khỏi Covid-19, ông T.V.N (70 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) hằng ngày vẫn phải đi xe máy đến Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) để tập vật lý trị liệu do khó thở và mất ngủ.

Lúc đầu ông N. đến khám, các bác sĩ (BS) chẩn đoán ông bị bệnh tim, cho uống thuốc nhưng không đỡ. Sau khi ông N. đến Trung tâm Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu hậu Covid-19 của BV Lê Văn Thịnh, BS đã hướng dẫn ông tập thở, tập vật lý trị liệu. Hiện tình trạng khó thở, mất ngủ của ông được cải thiện nhiều.

ThS-BS Trần Tuấn Thành, Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng - BV Lê Văn Thịnh, cho biết BV đã điều trị cho hơn 200 bệnh nhân đến khám vì hậu Covid-19. Người bệnh đến khám không chỉ ở TP HCM mà còn từ các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai...

Tại Phòng khám hậu Covid-19 của BV Đại học Y Dược TP HCM, trong hơn 1 tháng qua, khoảng 4.000 bệnh nhân đến khám. BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp - BV Đại học Y Dược TP HCM, cho hay mỗi ngày có 40-50 người đến khám về hậu Covid-19. Số bệnh nhân dự báo còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Khoảng 80% bệnh nhân đến khám có các triệu chứng kéo dài một vài tuần đến 3-4 tháng; nhiều nhất là mệt, khó thở, rụng tóc, hồi hộp, tim đập nhanh... Nhiều người bị thêm tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, bồn chồn, kèm mất ngủ và mau quên, không tập trung. Đáng chú ý, 50% trong số này có biểu hiện bất thường về tim mạch, phổi; cần phải can thiệp ngay cũng như điều trị lâu dài.

Còn tại BV Nhân dân Gia Định, trong 40 ngày qua đã tiếp nhận 1.021 bệnh nhân đến khám do các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19. BV vừa cứu sống bệnh nhân N.B.T (60 tuổi, ở quận Gò Vấp), được chẩn đoán thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong nhĩ phải. Bệnh nhân T. mắc Covid-19 vào tháng 11-2021, tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông.

TS-BS Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim - BV Nhân dân Gia Định, cho biết trước đây, bệnh nhân không mắc các bệnh gây tăng đông máu, cũng không tìm thấy nguyên nhân gây tăng đông ngoài tiền sử tăng huyết áp.

"Vấn đề đặt ra là sau khi mắc Covid-19, liệu trình kháng đông sẽ được áp dụng như thế nào? Nên sử dụng loại gì? Được theo dõi như thế nào? Chuyên đề này cần phải có nhiều nghiên cứu lâm sàng để giải quyết hậu quả thuyên tắc mạch sau khỏi Covid-19. Bên cạnh đó, các bệnh nhân đã mắc Covid-19 nên cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù trước đó chưa từng bị bệnh tim" - BS Thành khuyến cáo.

TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, cũng thông tin BV đã tiếp nhận 1.050 ca khám hậu Covid-19. Với nhóm bệnh nhân từng mắc Covid-19 từ 30-50 tuổi, không có bệnh lý nền, các BS vẫn ghi nhận các triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Di chứng khó lường sau khi khỏi Covid-19 - Ảnh 1.

Tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân hậu Covid-19 tại Bệnh viện Lê Văn ThịnhẢnh: Nguyễn Thạnh

Gian nan phục hồi

Anh Tô Trung Tính, cử nhân gây mê hồi sức, là người từng làm việc tại đơn vị hồi sức tích cực thuộc Khu cách ly và Điều trị Covid-19 - Bệnh viện 1A. Đây là BV chuyên khoa về phục hồi chức năng có Khu điều trị Covid-19 duy trì từ tháng 7 đến nay cũng như phòng khám hậu Covid-19.

Mấy tháng trước, anh Tính mắc Covid-19 rất nặng, phải thở ôxy mask kèm túi ở mức cao nhất (15 lít/phút); thậm chí đã có dấu hiệu của "cơn bão Cytokine" nhưng được các đồng nghiệp phát hiện kịp thời. Sau đó, anh Tính vẫn bị tổn thương phổi nặng, để lại di chứng, sụt cân nhiều, sức khỏe suy giảm. Anh Tính chia sẻ bí quyết để đẩy lùi các vấn đề hậu Covid-19 là giữ tinh thần lạc quan, dinh dưỡng hợp lý; kiên trì tập thở và các bài tập phục hồi chức năng; vận động và thể dục - thể thao sớm, vừa sức, mỗi ngày tăng từng chút.

TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV 1A, cho rằng việc điều trị hậu Covid-19 nên toàn diện, bao gồm cả tâm lý, tập luyện, điều trị nội khoa và dinh dưỡng. F0 khỏi bệnh nên được tạo điều kiện tham gia công việc sớm, ở mức độ vừa phải, với thời lượng ít hơn và được tạo điều kiện nghỉ ngơi khi thấy mệt. Nghỉ ngơi thụ động quá dài sẽ khiến việc phục hồi chậm, mà ở không lại dễ sinh ra lo âu; ngược lại, làm việc sớm mà quá sức sẽ khiến bệnh nhân mệt, đuối.

BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương đã mở buồng khám hậu Covid-19 thuộc Khoa Khám bệnh từ ngày 1-11-2021. TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV, khẳng định sau khi bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp tính của Covid-19, có thể có một số hậu quả để lại, nhất là trên đường hô hấp. Ví dụ, ở các ca thể nặng và nguy kịch trên phổi, có thể tổn thương dẫn đến xơ hóa phổi. Với người có sẵn bệnh nền, như nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp (như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn…) khi Covid-19 xảy ra trên nền bệnh đó, có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng nề hơn.

"Vì vậy, trị khỏi Covid-19 không phải là xong. Chúng tôi vẫn yêu cầu người bệnh sau khi xuất viện cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại địa phương hoặc tiếp tục kết nối với chính BV chúng tôi" - TS-BS Lê Thanh Chiến giải thích.

BS CKI Huỳnh Bích Thảo, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng - BV Gia An 115 TP HCM, nhấn mạnh tùy tình trạng người bệnh mắc phải mà các BS sẽ hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng phù hợp. Trong đó, các bài tập hô hấp gồm thở cải thiện thông khí, thông đàm hiệu quả. Các bài tập kéo giãn hỗ trợ di động lồng ngực, nở phổi...

Theo ThS-BS Kiều Xuân Thy, BV Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, bên cạnh việc dùng thuốc bắc và châm cứu, các bài tập thở theo phương pháp dưỡng sinh sẽ giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng như: thở bốn thời, xoa ngũ quan, xoa trung tiêu, chào mặt trời. 

Không chủ quan ở trẻ em

BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) hiện mỗi ngày tiếp nhận từ 5-10 bệnh nhi đến khám hậu Covid-19.

BS CKII Dư Minh Trí, Trưởng Khoa Khám bệnh - BV Nhi Đồng Thành phố, cho biết các triệu chứng xuất hiện tập trung ở 3 nhóm: Thứ nhất, ảnh hưởng đường hô hấp như nặng ngực, ho kéo dài. Thứ hai (đối với trẻ trên 10 tuổi), thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, trí nhớ ngắn hạn, mau quên. Thứ ba, hội chứng viêm đa hệ thống hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm cho trẻ, gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác nhau.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn nhi - Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm Trưởng Khoa Covid-19 - BV Nhi Đồng 1, cũng lưu ý từ 2-6 tuần sau khi trẻ khỏi bệnh, hội chứng viêm đa hệ thống sẽ xuất hiện và trở nặng. BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc hội chứng này. Những trẻ này dễ chuyển nặng và bị tổn thương não, rối loạn đông máu, trụy tim...

Bạn đang đọc bài viết "Di chứng khó lường sau khi khỏi Covid-19" tại chuyên mục TIN TỨC.