Hơn nửa thế kỷ trước, đường 20 Quyết Thắng nằm dọc dãy Trường Sơn trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ. Hàng loạt địa danh trên tuyến này đã trở thành trọng điểm, trong đó trọng điểm ATP (gồm: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) được coi là "trọng điểm của trọng điểm" bởi sức đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), công dân hỏa tuyến đã anh dũng ngã xuống trên tuyến này.
Như một "cuộc chiến" kéo dài
Để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Đường 20 Quyết Thắng và thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng như niềm mong mỏi của các cựu binh Trường Sơn, đồng bào và thân nhân các gia đình liệt sĩ trong cả nước, Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình biên giới - Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - tài trợ 42 tỉ đồng xây Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trọng điểm Cà Roòng - ATP trên Đường 20 Quyết Thắng ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tháng 7-2018, lễ khởi công xây dựng ngôi đền đã diễn ra trong sự vui mừng của nhiều người. Ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, cho biết để thi công và hình thành được một ngôi đền bề thế, trang nghiêm nơi biên giới như thế này là như một "cuộc chiến" trường kỳ kéo dài trong 4 năm qua, bởi việc xây dựng hết sức gian lao, vất vả và nhiều lúc bị gián đoạn một thời gian như trận lũ lịch sử vào tháng 10-2020 khiến toàn tuyến bị tê liệt, đặc biệt là khi dịch Covid-19 kéo dài.
"Từ trung tâm thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), vượt hơn 70 km trên cung đường độc đạo 20 Quyết Thắng với địa hình đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở và đầy rẫy những hiểm nguy mới tới được Cà Roòng - ATP nên việc tập kết, di chuyển vật liệu, nhân công không dễ dàng chút nào. Nơi biên giới, cứ sáng nắng chiều mưa nên việc thi công rất khó khăn. Bằng sự nỗ lực của nhà thầu, tâm huyết anh em làm ngày làm đêm nên đã có một "ngôi nhà chung" cho các anh hùng liệt sĩ như ngày hôm nay" - ông Cu bồi hồi.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (71 tuổi; ngụ xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Quảng Bình, nhớ thời điểm nghe tin Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình biên giới khởi công xây dựng ngôi đền ở trọng điểm Cà Roòng - ATP, trong lòng ông rạo rực, mong mỏi một ngày các đồng đội đã ngã xuống sẽ có "ngôi nhà chung" để anh linh họ trú ngụ, để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả đó.
"Nay tôi có nhắm mắt cũng mãn nguyện rồi. Chúng tôi mong chỉ có tấm bia để có nơi hương khói cho đồng đội nhưng hôm nay có cả một ngôi đền khang trang, uy nghi. Vậy là có một mái đền thiêng liêng, không chỉ thờ tự các cựu TNXP anh dũng hy sinh mà bất cứ linh hồn liệt sĩ nào ngã xuống trên đường Trường Sơn cũng được thỉnh vào đền, thiệt là ấm lòng ấm dạ" - ông Dũng tâm sự.
Toàn cảnh Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trọng điểm Cà Roòng - ATP trên Đường 20 Quyết Thắng
Ngôi đền được xây dựng trên tổng diện tích 1,8 ha, gồm: đền thờ, nhà bia, gác chuông, cổng tứ trụ, nhà công vụ, bãi đỗ xe, sân, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ. Đền thờ chính rộng hơn 235 m2, thiết kế mặt bằng hình chữ "đinh", gồm tiền tế và hậu cung; nền lát gạch gốm; mái lợp ngói vảy mũi hài màu nâu đỏ; hệ thống cột, dầm, xà gồ, mái xiên đổ bê tông cốt thép.
Riêng chiếc chuông ở ngôi đền nặng 1,5 tấn được đúc ở một làng nghề nổi tiếng từ tỉnh Nam Định. Thân chuông khắc dòng chữ: "Một tiếng chuông ngân/Núi rừng đồng vọng/Đất trời chuyển động/Liệt sĩ hiển linh". Một tấm bia đá nguyên khối cao 2,1 m có đế 0,3 m ghi lại lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này.
Dân bản mong mỏi lắm
Già làng Đinh Ho (74 tuổi, một người có uy tín ở bản Km61, ngụ gần với ngôi đền) nói: "Nơi đây, Mỹ rải bom đạn nhiều không kể xiết, cướp đi sinh mạng của nhiều bộ đội, TNXP ở lứa tuổi đôi mươi. Việc xây đền thờ cho các anh linh là điều mà già cũng như bà con dân bản mong mỏi lắm. Từ nay, bà con đã có một địa chỉ tâm linh để viếng hương hồn các liệt sĩ Trường Sơn, để họ bớt cô quạnh".
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn, kiến trúc đẹp, tiêu biểu trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là điểm đến tri ân của cán bộ, nhân dân cả nước, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần quan trọng phát triển văn hóa, du lịch lịch sử, khai thác tiềm năng lợi thế của vùng biên giới.
"Sau 4 năm, với biết bao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và những nỗ lực, tâm huyết của Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình biên giới, nhà tài trợ, nhà thầu công trình đã hoàn thành trong sự vui mừng của tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan có phương án tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, phát huy giá trị của công trình" - ông Thắng tâm sự.
Ông Dương Công Minh đã có những chia sẻ rất xúc động: "Thế hệ trước đã làm nên kỳ công - kỳ tích - kỳ quan. Thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau sẽ góp phần biến nơi này thành một danh thắng tươi đẹp và ngôi đền trên đỉnh Trường Sơn này là một kỳ quan muôn đời của đất nước".