Đề xuất mức hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình

18/08/2022 16:15

Dự thảo nêu rõ, trường hợp hộ gia đình được hưởng nhiều mức hỗ trợ khác nhau thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động cấp nước sạch nông thôn dần được hoàn thiện, từng bước tạo được hành lang, cơ chế pháp lý thực hiện trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai đầu tư, khai thác, sản xuất, cung cấp và sử dụng nước sạch nông thôn đã phát sinh một số vướng mắc, tồn tại trên thực tế, nhất là tại các địa phương.

Cụ thể, công tác điều tra cơ bản về cấp nước sạch nông thôn chưa được thực hiện bài bản, không cung cấp được thông tin, số liệu đầy đủ phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Quy hoạch cấp nước nông thôn (mà hiện nay theo Luật Quy hoạch là phương án phát triển mạng lưới cấp nước) ở một số địa phương chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời, thiếu sự kết nối giữa cấp nước đô thị và nông thôn, chưa quan tâm đến yếu tố ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đầu tư công trình chưa đảm bảo đồng bộ; phân cấp đầu tư, quản lý công trình chưa phù hợp với năng lực, chuyên môn ở cấp dưới dẫn đến ảnh hưởng về chất lượng và hiệu quả khai thác vận hành công trình; các chính sách đầu tư chủ yếu tập trung hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước tập trung mà chưa có quy định hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn chưa thực sự hiệu quả do chưa được quan tâm đúng mức, thiếu bố trí kinh phí thực hiện; công trình cấp nước quy mô hộ gia đình hầu như chưa được kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước do hạn chế về nguồn lực thực hiện.

Trong số 16.573 công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư xây dựng có tới 31,6% hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, phần lớn là các công trình xây dựng đã lâu (trên 15 năm chiếm tới 33%), quy mô công suất nhỏ dưới 50m3/ngày đêm do Ủy ban nhân dân xã, hợp tác xã, cộng đồng quản lý vận hành nhưng không được bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nên bị xuống cấp, hư hỏng.

Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình được thực hiện chưa đúng tiêu chuẩn quy định dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí đầu tư; chưa có quy định về quy trình vận hành khai thác công trình để đảm bảo công trình được vận hành khai thác theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Công tác xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn gặp nhiều khó khăn, khó thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân do lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều, công trình quy mô nhỏ, giá nước thấp, nguồn thu không đủ bù chi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về nguồn nước và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Hầu hết các địa phương ban hành giá nước sạch chưa đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ dẫn đến tại nhiều công trình, tình trạng thu không đủ chi là phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời trong khi không có nguồn vốn bố trí kinh phí cấp bù giá nước theo quy định.

Hoạt động cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn chủ yếu mang tính chất đảm bảo an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá nước sạch nông thôn đang mâu thuẫn với quy định hoạt động kinh doanh nước sạch là hoạt động kinh doanh có điều kiện mà theo đó doanh nghiệp được quyền quyết định giá sản phẩm dịch vụ, dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp, tư nhân tham gia xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn…

Từ những căn cứ nêu trên, để kịp thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc quản lý Nhà nước về cấp nước sạch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn là rất cần thiết.

Chính sách hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị định bao gồm: Chính sách 1 “Nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn”; Chính sách 2 “Quản lý, sử dụng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình”; Chính sách 3 “Cấp nước an toàn và quản lý rủi ro cho cấp nước nông thôn trong trường hợp thiên tai, biến đổi khí hậu”; Chính sách 4 “Cơ chế tài chính và chính sách ưu đãi trong cấp nước nông thôn”.

Đối với chính sách hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình, dự thảo Nghị định quy định công trình cấp nước quy mô hộ gia đình là công trình cấp nước sinh hoạt trong phạm vi hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, có công suất cấp nước dưới 100 m3/ngày đêm như giếng đào, giếng khoan đường kính nhỏ, lu, bể chứa nước, công trình cấp nước tự chảy có công nghệ xử lý nước đơn giản và các hình thức trữ nước khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các hình thức và đối tượng hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình bao gồm:

Một là, hỗ trợ hộ gia đình nông thôn vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh nông thôn để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước quy mô hộ gia đình. Mức vay ưu đãi thực hiện theo quy định của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hai là, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở khu vực nông thôn.

Ba là, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở khu vực nông thôn đang sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc nguồn cấp nước khác chưa đạt quy chuẩn.

Mức hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ 2, 3 nêu trên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tùy theo từng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương và đảm bảo quy định sau đây: Tối đa 70% giá trị thực tế nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Tối đa 50% giá trị thực tế nhưng không quá 4 triệu đồng/hộ đối với hộ cận nghèo.

Dự thảo nêu rõ, trường hợp hộ gia đình được hưởng nhiều mức hỗ trợ khác nhau thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

Phương thức hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước hộ gia đình được đề xuất như sau:

Căn cứ Quyết định giao vốn hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai hỗ trợ và hướng dẫn hộ gia đình lựa chọn mô hình công trình cấp nước quy mô hộ gia đình và công nghệ, thiết bị xử lý nước hộ gia đình.

Ủy ban nhân dân huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, nghiệm thu hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước cho hộ gia đình theo quy định.

Các tổ chức tín dụng hướng dẫn trình tự, thủ tục cho các hộ gia đình vay vốn tín dụng ưu đãi để xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến hết năm 2021, tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó gần 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, khoảng 44% dân số nông thôn (hơn 28,5 triệu người) được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn còn lại (36,3 triệu người) sử dụng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Ngoài 4 chính sách nêu trên, đề xuất bổ sung nhiều quy định trong dự thảo Nghị định như: Quy định tiết kiệm nước (Điều 5 của dự thảo Nghị định); Phương án phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn (Điều 7 của dự thảo Nghị định); Sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động cấp nước sạch nông thôn (Điều 8 của dự thảo Nghị định); Xã hội hóa, đối tác công tư trong hoạt động cấp nước sạch nông thôn (Điều 9 của dự thảo Nghị định); Truyền thông, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong hoạt động cấp nước sạch nông thôn (Điều 10, 11, 12 của dự thảo Nghị định); Tổ chức thực hiện (Chương VI của dự thảo Nghị định).

Tuệ Minh

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất mức hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình" tại chuyên mục TIN TỨC.