Đề xuất miễn phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước

23/09/2021 16:06

Bộ Tài chính vừa có công văn lấy ý kiến 2 dự thảo Thông tư, nội dung đề xuất sửa đổi một số mức phí liên quan đến môi trường.

Hai dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất và môi trường do cơ quan trung ương thực hiện.

Miễn, giảm một số phí thẩm định

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất, Bộ Tài chính đề xuất miễn phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước; phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. 

Chính sách - Đề xuất miễn phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước

Bộ Tài chính đề xuất miễn phí thẩm định nước xả thải vào nguồn nước. (Ảnh minh họa) 

Đồng thời, dự kiến giảm 50% mức phí hiện hành đối với trường hợp thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt; giảm 30% mức phí hiện hành đối với trường hợp thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Việc tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Dự kiến Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Thông tư số 270/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đề xuất biểu phí thẩm định cấp phép

Về dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện, dự kiến sẽ bãi bỏ Thông tư số 59/2017/TT-BTC, Thông tư số 62/2017/TT-BTC và các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường không đề cập tại Thông tư này.

Bộ Tài chính đề xuất biểu mức thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường. Dự kiến phí cấp phép là 50 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở đối với nhóm I và 45 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở đối với nhóm II.

Bên cạnh đó, phí cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại/cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại sẽ tính theo số lượng thiết bị xử lý chất thải nguy hại. Dự kiến mức phí sẽ từ 40 - 70 triệu đồng/dự án/cơ sở.

Phí cấp giấy phép môi trường đối với các dự án nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất/cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã đi vào hoạt động dự kiến sẽ tính theo chủng loại phế liệu.

Bộ Tài chính đề xuất mức phí cấp phép đối với từng chủng loại phế liệu như sau: dự kiến phí phế liệu sắt, thép 50 triệu đồng/cơ sở, 75 triệu đồng/dự án; phí phế liệu giấy sẽ là 45 triệu đồng/cơ sở, 65 triệu đồng/dự án; phí phế liệu nhựa là 40 triệu đồng/cơ sở, 60 triệu đồng/dự án; phí phế liệu khác là 35 triệu đồng/cơ sở, 55 triệu đồng/dự án.

Các mức phí trên sẽ tính theo lần thẩm định cấp/cấp lại giấy phép môi trường và không bao gồm chi phí đi lại của đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở và chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải theo quy định.

Trường hợp các dự án/cơ sở đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép môi trường trong đó có lồng ghép nhiều nội dung đề nghị cấp phép gồm thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các nội dung khác, mức phí được xác định là mức phí đối với dự án/cơ sở cao nhất quy định tại các điểm 1, 2, và 3 Biểu mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép môi trường.