CEO Nvidia vừa đến Việt Nam gặp chuyện bi hài: Nhân viên công ty giờ quá giàu, đi làm toàn "ngồi chơi"

16/12/2023 12:29

Khi đế chế Nvidia của tỷ phú Jensen Huang tăng trưởng vượt bậc trong năm qua, nhiều nhân viên thâm niên của công ty trở nên lười làm việc chỉ vì giờ đây họ đã quá giàu có.

Sự trỗi dậy vượt bậc của Nvidia trong năm nay đã gây ra một vấn đề bất thường: Một số nhân viên thâm niên đang ngồi trên khối tài sản khổng lồ nhờ cổ phiếu của công ty không còn muốn gắng sức làm việc.

Đó là một vấn đề lớn đến mức giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cảm thấy cần phải giải quyết trong cuộc họp toàn thể nội bộ vào tháng trước, theo Business Insider.

Nhiều nhân viên của Nvidia đã trở nên giàu có đến khó tin sau khi cổ phiếu của công ty tăng khoảng 1.200% trong 5 năm qua. Nhưng giữa thành công đó là sự tranh cãi giữa nội bộ giữa nhân viên cũ và mới, khi các "triệu phú mới nổi" ít còn động lực chăm chỉ như trước.

Nhân viên của Nvidia gần như "tôn sùng" Huang trong vai trò giám đốc điều hành và là người thành lập công ty vào năm 1993.

Tuy nhiên, những người này đổ lỗi cho văn hóa lấy nhân viên làm trung tâm thái quá mà ông đã tạo ra, cùng với phong cách quản lý tương đối dễ dãi của công ty vốn được mệnh danh là đế chế thống trị trong thị trường chip.

Sự bất hòa trong hàng ngũ công ty của Nvidia một ngày nào đó có thể trở thành rủi ro nghiêm trọng khi công ty phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng và sự cạnh tranh từ các nhà thiết kế chip đối thủ, AMD và Intel, cũng như các công ty công nghệ lớn khác, như Amazon và Microsoft.

CEO Nvidia vừa đến Việt Nam gặp chuyện bi hài: Nhân viên công ty giờ quá giàu, đi làm toàn "ngồi chơi" - Ảnh 1.

Bị sa thải còn khó hơn được tuyển dụng 

Hầu hết mọi công ty công nghệ tại thời điểm nào đó đều có khả năng rơi vào câu chuyện của Nvidia.

Thung lũng Silicon gọi tình trạng này là "nghỉ ngơi và lên đồ", ám chỉ những nhân viên được trả lương mà không phải làm quá nhiều việc, chờ đợi thưởng cổ phiếu để được mặc vest.

Nhưng tại Nvidia, văn hóa ủng hộ nhân viên nổi tiếng của công ty khiến tình trạng này càng nổi bật hơn.

Nvidia có truyền thống không sa thải nhân viên trong thời kỳ hỗn loạn. Trong thời kỳ đầu của Covid năm 2020 và sự sụp đổ của tiền điện tử năm 2022, khi cổ phiếu của Nvidia biến động mạnh, Huang liên tục đảm bảo nhân viên công ty sẽ không bị sa thải.

Lần cắt giảm việc làm chính thức gần đây nhất diễn ra cách đây 15 năm, vào năm 2008, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính.

Những lời đồn trong công ty cho rằng các giám đốc điều hành cấp cao đã cắt giảm lương trong khoảng thời gian suy thoái để giảm tác động đến các nhân viên cấp dưới.

Một nhân viên nói với Insider rằng họ đã nhận được thêm cổ phiếu thưởng vào năm 2022 để bù đắp cho khoản tiền giảm do giá cổ phiếu của Nvidia xuống thấp.

Nhân viên của Nvidia cũng hiếm khi được đưa vào kế hoạch cải thiện hiệu suất, không giống như một số đối thủ cạnh tranh như Amazon.

Các nhân viên cho biết, nếu ai đó làm việc kém hiệu quả, công ty sẽ cố gắng tìm một nhóm mới cho người đó, thay vì chuyển họ sang kế hoạch đào tạo hoặc sa thải. Huang nổi tiếng vì đã nói với nhân viên trong các cuộc họp chung rằng ông không muốn sa thải bất kỳ ai.

Mặc dù kiểu văn hóa này có thể tạo ra lòng trung thành mãnh liệt nhưng nó dễ dẫn đến việc một số người sẽ lợi dụng.

"Ở đây, bị sa thải còn khó hơn cả được tuyển dụng", một nhân viên thừa nhận.

Jim Herd, giám đốc điều hành của công ty tìm kiếm nhân sự cấp cao Herd Freed Hartz, cho biết Nvidia đã xây dựng một "văn hóa rất mạnh mẽ"; điều đó dẫn đến mức độ hài lòng của nhân viên cao hơn và đơn giản là hiện tại họ không có động cơ nào để tìm kiếm các cơ hội khác.

"Nvidia sẽ tiếp tục có tỷ lệ sa thải thấp hơn so với các công ty cùng ngành", chuyên gia nhấn mạnh. "Có quá nhiều động lực và lợi ích tài chính để rời đi lúc này".

CEO Nvidia vừa đến Việt Nam gặp chuyện bi hài: Nhân viên công ty giờ quá giàu, đi làm toàn "ngồi chơi" - Ảnh 2.

Không có sự cạnh tranh

Nhu cầu bùng nổ về chip tiên tiến của Nvidia dường như chỉ làm tăng thêm sự tự mãn của công ty. Chip GPU của Nvidia đã trở thành một trong những sản phẩm công nghệ được săn lùng nhiều nhất trong năm nay vì chúng đóng vai trò xương sống của nhiều dịch vụ AI tổng hợp, như ChatGPT.

Sự phổ biến đó đang khiến công việc của một số nhân viên Nvidia trở nên dễ dàng. Một người cho biết Nvidia hiện có nhiều vị thế hơn bao giờ hết với khách hàng, vì các nhà cung cấp đám mây và các công ty AI đang khao khát có được chip GPU của hãng.

Các khách hàng tiềm năng luôn sẵn lòng nghe máy và khách hàng hiện tại sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho công nghệ của Nvidia - một sự thay đổi đáng kể so với năm ngoái.

Mặc dù ngày càng có nhiều công ty tung ra chip mới nhưng nhân viên của Nvidia cho biết họ vẫn chưa cảm thấy áp lực cạnh tranh.

Ví dụ: Amazon và Microsoft gần đây đã tiết lộ những con chip mới cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Nvidia. Tuy nhiên, ba nhân viên của Nvidia cho biết những con chip đó không bao giờ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện với khách hàng vì quan điểm họ luôn cho rằng Nvidia có hiệu suất vượt trội hơn.

"Chúng tôi không có sự cạnh tranh", một người nói. "Nhưng chúng tôi đang dần trở nên cồng kềnh. Có những người chẳng làm gì cả".

Sự giàu có của các nhân viên Nvidia là lý do lớn để khiến họ ngừng phấn đấu. Một người ước tính rằng ngay cả những nhà quản lý cấp trung hiện nay cũng kiếm được tổng số tiền hơn 1 triệu USD mỗi năm từ giá trị tăng vọt của cổ phiếu thưởng.

Giống như nhiều công ty công nghệ, Nvidia trả một phần lương cho nhân viên bằng cổ phiếu công ty, tăng khoảng 230% trong năm nay.

Không giống như các triệu phú bitcoin vung tiền vào những chiếc ô tô và nhà cửa sang trọng trong thời kỳ bùng nổ tiền điện tử, các nhân viên của Nvidia mắc kẹt với lối sống tương đối đạm bạc, trả hết các khoản thế chấp và các khoản vay sinh viên thay vì mua một chiếc Lamborghini mới.

Tất cả đều đặc biệt ủng hộ Huang với tư cách là giám đốc điều hành. Mọi nhân viên Nvidia đều thể hiện sự tin tưởng hoàn toàn vào khả năng lãnh đạo của Huang.

Họ đánh giá cao cách ông đặt "giá trị con người" ở trung tâm của văn hóa công ty. Theo Glassdoor, Huang tự hào có tỷ lệ ủng hộ ở vị trí CEO là 98%, cao hơn nhiều so với một số đồng nghiệp tại Alphabet (81%), Amazon (69%) và Meta (54%).

Ngay cả khi đạt được nhiều thành công, Huang dường như vẫn là người thận trọng nhất về tương lai. Ông luôn nhắc lại nhiều lần về rủi ro một ngày nào đó sẽ phá sản.

"Tôi không thức dậy một cách kiêu hãnh và tự tin", Huang nói. "Tôi thức dậy với sự lo lắng và không lúc nào thấy yên tâm".