Cần nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế

10/08/2022 13:01

Để đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần phải nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, 7 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Việt Nam có dấu hiệu phục hồi khả quan khi tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng đạt 62%.

Trong đó, 7 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón 954.600 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam đã đón 352.600 lượt khách quốc tế, tăng 49% so với tháng trước.

Về thị phần của các thị trường quốc tế, ông Phạm Hà, CEO tập đoàn Lux Group, cho rằng những con số phản ánh đúng thực trạng. Những thị trường gần như Thái Lan, Singapore, Malaysia... sẽ phục hồi nhanh hơn do khách du lịch di chuyển thuận tiện, chi phí cho chuyến đi nằm trong ngân sách. Những thị trường như Anh, Đức, Tây Ban Nha đang tăng trưởng tốt do chính sách miễn visa, khách có thể bay thẳng đến Việt Nam.

Chính sách - Cần nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế

Du khách nước ngoài tham quan Bưu điện Tp.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Người Lao Động)

Theo đánh giá chung, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua tập trung chủ yếu đến từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nổi bật trong Top 10 thị trường đó là Hàn Quốc với 196.200 lượt khách, tăng 903,7% so với cùng kỳ; kế đến là Mỹ với 102.900 lượt, tăng 5.382%; Nhật Bản với 46.000 lượt, tăng 794,6%; Đài Loan (Trung Quốc) có 36.700 lượt, tăng 395,9%; Trung Quốc cũng được đánh giá có mức tăng trưởng nhẹ so với thời gian trước là khoảng 53 nghìn lượt, tăng 34,5%.

Dù số lượng khách chưa đông, các thị trường châu Âu vẫn có tốc độ tăng trưởng rất cao. Lượng khách lớn nhất đến từ Anh (26.400 lượt, tăng 2958,6% so với cùng kỳ), Pháp (23.400 lượt, tăng 2963,7%), Đức (23.600 lượt, tăng 3897,1%).

Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%, theo thống kê của Google Destination Insights.

Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022.

So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. Mười quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức, Thái Lan.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế. Khả năng cao là các thị trường khách hàng đầu trước dịch Covid-19 như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga khó phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong ngắn hạn.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số nước vẫn đang áp dụng các chính sách phòng, chống dịch chặt chẽ. Trong đó, Trung Quốc thực hiện chính sách “không Covid-19”, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine và những hệ lụy đã làm sụt giảm lượng khách Nga, ảnh hưởng tiêu cực với các khách du lịch châu Âu ra nước ngoài. Mặt khác, mùa cao điểm đón khách quốc tế ở nước ta cũng chưa tới (thường là từ tháng 9 hàng năm), du khách quốc tế thường từ vài tháng đến 1 năm để lên kế hoạch đi du lịch...

Do đó, để đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế như đã đề ra, ngành du lịch cần phải nỗ lực khá nhiều trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Ngành du lịch Việt Nam cũng đặt kỳ vọng, số lượng khách quốc tế sẽ có sự thay đổi khi bước vào mùa cao điểm inbound bắt đầu từ tháng 9 tới đây.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Trong ngắn hạn, ngành du lịch cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch Covid-19. Trong đó tập trung thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông; thị trường nói tiếng Nga (khách từ Nga đi du lịch qua nước thứ 3), Uzbekistan, Azerbaijan...

Về trung hạn, toàn ngành tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm; xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách.

Mặt khác, du lịch Việt Nam cần tập trung khai các thị trường gần, truyền thống, có mức tăng trưởng cao như Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó là mở rộng thêm thị trường có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Autralia, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu; thị trường mới, có tiềm năng tăng trưởng như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, dự đoán tốc độ phục hồi của ngành du lịch không thể nhanh chóng bởi mùa du lịch quốc tế thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng lớn là chính sách visa.

Ông Hà nhận định, chính sách visa của Việt Nam cần thông thoáng hơn với những thị trường đang tăng trưởng tốt như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand hoặc các nước Đông Âu.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cũng kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thực tiễn từ công tác phục hồi và phát triển du lịch trong 6 tháng đầu năm.

Sở Du lịch Tp.HCM kiến nghị, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao xem xét, mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách e-visa; tăng gia hạn tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên đến 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong “cuộc đua” thu hút khách quốc tế chi trả cao chính là công tác quảng bá, truyền thông của ngành du lịch. Những từ khóa gắn với du lịch Việt Nam trên các website quốc tế thường là “thiên nhiên hoang sơ”, “ẩm thực đường phố hấp dẫn”, “đất nước thân thiện” và “giá rẻ”. Việt Nam cũng không thiếu những khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp quốc tế, dịch vụ cao cấp bởi những thương hiệu hàng đầu thế giới...

Không chỉ đẩy mạnh công tác truyền thông hay chính sách visa cởi mở hơn, Việt Nam còn phải tăng tính liên kết vùng trong phát triển du lịch.

Theo nhìn nhận từ ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours: “Để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, chúng ta phải kết nối các điểm đến. Du khách ở một địa phương 3 ngày cần có những điểm tham quan đa dạng. Chúng ta cần kết nối điểm này với điểm kia để hôm nay khách tham quan một nơi, mai chơi một nơi khác”. Ông Hoan phân tích thêm: “Kết nối càng nhiều, du khách càng lưu trú dài hơn và sử dụng dịch vụ nhiều hơn”.

Vấn đề liên kết vùng trong phát triển du lịch cũng là một trong vấn đề đáng quan tâm khi được đưa ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do Tp.Hà Nội tổ chức vừa qua.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, thời gian tới ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các tỉnh địa phương trong việc xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt Tp.Hà Nội cần thể hiện vai trò trung tâm kết nối các địa phương, thu hút lượng khách du lịch đến với Thủ đô.

Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Lao Động)