Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp mà hàng nghìn người, giá trị hàng trăm triệu đô la thì doanh nghiệp ấy không còn là của mình nữa

01/02/2024 16:10

Phát biểu tại sự kiện mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, với các doanh nghiệp lớn, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước cũng là rất lớn.

photo-1706774940269

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin Truyền thông

 Bộ trưởng cũng khẳng định, doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn. Việt Nam thường xuyên bị xâm lăng nên có thể vì vậy mà ít giấc mơ lớn. Nhưng nếu không mơ lớn, không lớn mạnh thì sẽ lại bị xâm lăng. Lại mất nước, lại về không, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu. 

"Nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy thì biết đến bao giờ Việt Nam mới cường thịnh, mới có hoà bình lâu dài? Liệu chúng ta có thể phá vỡ vòng lặp này hay không? Liệu doanh nghiệp có phần gì, trách nhiệm gì ở đây không?" - ông Hùng đặt câu hỏi. "Phần của các bạn, trách nhiệm của các bạn là rất lớn, nếu không nói là lớn nhất. Nhưng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Phải có giấc mơ lớn. Phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh, và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát".

Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp cũng khó khăn. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Bởi vậy, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Không nên bỏ phí những lúc khó khăn này. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.

"Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực"

Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số (CNS). 

"Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết CĐS, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển CĐS, KTS rất chậm" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp CNS Việt Nam đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp CNS từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.

Phát triển KTS các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động (NSLĐ) của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng NSLĐ, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển KTS các ngành. Doanh nghiệp CNS làm các ứng dụng số công nghiệp cũng chính là góp phần tăng NSLĐ cho quốc gia.

Báo chí, xuất bản, truyền thông phải truyền đi được thông điệp, Việt Nam không phải nước nhỏ. 100 triệu dân, đứng thứ 14-15 thế giới. GDP đứng thứ 35-40. Sự thông minh chắc top 10. STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) chắc top 5. Tinh thần tự cường chắc cũng top 5. Chăm chỉ chắc top 3. Sự linh hoạt chắc số 1. Vậy Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc.

Báo chí, xuất bản, truyền thông phải khơi dậy được, truyền đi được khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường thịnh vượng, truyền đi cảm hứng, cảm hứng tạo ra năng lượng. Muốn lớn được thì đầu tiên phải có khát vọng lớn. Khát vọng lớn phải chuyển được thành sức mạnh tinh thần.

Cuối cùng, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp: "Ngành TT&TT phát triển được thì đầu tiên là do các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành. Là do sự dấn thân của các TGĐ. Là do sự khai phá các vùng đất lạ của các bạn. Là do sự chấp nhận rủi ro của các bạn. Thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin cảm ơn các bạn! Cảm ơn sự đóng góp to lớn của các bạn!".