Bộ trưởng cũng khẳng định, doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn. Việt Nam thường xuyên bị xâm lăng nên có thể vì vậy mà ít giấc mơ lớn. Nhưng nếu không mơ lớn, không lớn mạnh thì sẽ lại bị xâm lăng. Lại mất nước, lại về không, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp cũng khó khăn. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Bởi vậy, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Không nên bỏ phí những lúc khó khăn này. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.
Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số (CNS).
"Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết CĐS, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển CĐS, KTS rất chậm" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp CNS Việt Nam đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp CNS từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.
Phát triển KTS các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động (NSLĐ) của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng NSLĐ, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển KTS các ngành. Doanh nghiệp CNS làm các ứng dụng số công nghiệp cũng chính là góp phần tăng NSLĐ cho quốc gia.
Báo chí, xuất bản, truyền thông phải truyền đi được thông điệp, Việt Nam không phải nước nhỏ. 100 triệu dân, đứng thứ 14-15 thế giới. GDP đứng thứ 35-40. Sự thông minh chắc top 10. STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) chắc top 5. Tinh thần tự cường chắc cũng top 5. Chăm chỉ chắc top 3. Sự linh hoạt chắc số 1. Vậy Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc.
Báo chí, xuất bản, truyền thông phải khơi dậy được, truyền đi được khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường thịnh vượng, truyền đi cảm hứng, cảm hứng tạo ra năng lượng. Muốn lớn được thì đầu tiên phải có khát vọng lớn. Khát vọng lớn phải chuyển được thành sức mạnh tinh thần.