Theo một nghiên cứu công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, 40% việc làm toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Con số này thậm chí có thể lên tới 60% ở các nền kinh tế tiên tiến. Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đặc biệt lưu ý 2 thách thức mà AI đặt ra. Thứ nhất là sự khác biệt giữa những công việc sẽ được bổ sung và những công việc có thể biến mất do AI. Thứ 2 là bằng cách nào AI có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng trong một quốc gia và giữa các quốc gia.
“Nếu chúng ta nắm bắt được lợi ích của AI nhiều hơn thông qua tính bổ sung và sau đó nâng cao năng suất thì thu nhập quốc dân trên thực tế có thể tăng lên. Nói cách khác, việc phân phối lợi ích của AI là cần phải nâng tất cả lên thuyền. Nếu không bất bình đẳng sẽ gia tăng và do đó có thể phá vỡ kết cấu xã hội theo cách rất có hại cho thế giới. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội trong thế giới trí tuệ nhân tạo. Bạn phải có khả năng hỗ trợ những người rơi khỏi vách đá vì công việc của họ bị xóa sổ”, bà Kristalina Georgieva nói.
AI đã trở thành chủ đề nóng tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái khi ChatGPT gây bão trên toàn thế giới. Kể từ đó, việc nâng cấp công nghệ AI đã mở rộng việc sử dụng các hệ thống và chatbot AI, khiến chúng trở nên phổ biến hơn và thúc đẩy đầu tư lớn. Theo ước tính vào tháng 3/2023 của các nhà kinh tế Goldman Sachs, mặc dù nơi làm việc có thể thay đổi, nhưng việc áp dụng rộng rãi AI cuối cùng có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm.