
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 10/3, trong thời điểm giá xăng tăng kỷ lục và các ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao tại Hà Nội, nhiều tài xế xe ôm đã phải lâm vào cảnh khó khăn "kép".

Theo chia sẻ của nhiều tài xế, giá xăng tăng đã phát sinh thêm chi phí. "Trước kia xăng 15-17 nghìn/lít chúng tôi còn kiếm ăn được. Giờ là 27 nghìn/lít, tăng cao như vậy khiến chúng tôi phát sinh chi phí nhiên liệu rất lớn. Đặc biệt do ảnh hưởng chung của dịch bệnh, nhiều người làm ăn khó khăn, họ mặc cả xe ôm từng đồng. Chúng tôi cũng không thể lấy giá cao mà căn cứ theo xe ôm công nghệ để đưa ra giá phù hợp", ông Hùng (quê Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ.

Ông Bùi Xuân Hoà (55 tuổi, trú Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, không chỉ căn cứ theo giá của xe ôm công nghệ, rất nhiều lần ông còn lấy giá thấp hơn để "chốt đơn" được với khách.

"Anh em chạy xe công nghệ còn phải trích lại phí cho công ty, chúng tôi thì làm được bao nhiều trừ chi phí xăng, hao mòn xe đi thì lấy cả. Nên nhiều lần, đặc biệt chuyến chở khách đi tỉnh tôi lấy rẻ hơn vài chục nghìn cho khách", ông Hoà nói.

Không chỉ khó khăn do giá tăng xăng, theo phản ánh của nhiều tài xế, từ sau Tết nguyên đán lượng khách đã sụt giảm nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người phải điều trị tại nhà.

Cũng theo ghi nhận tại khu vực bến xe Mỹ Đình, lượng khách tại đây rất vắng. "Tài xế còn đông hơn cả khách thế kia thì lấy đâu ra khách mà chở. Xăng thì gần 30 nghìn/lít rồi, xe ôm chúng tôi năm nay rất khó khăn", tài xế Minh vừa nói vừa chỉ ra cổng bến xe.

Tài xế tại cổng bến xe Mỹ Đình còn đông hơn khách, hầu hết tài xế ở đây đều là xe ôm truyền thống.

Các tài xế cũng cho biết, họ cũng nắm được giá xăng cao là do giá tăng chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn Nhà nước sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Lượng khách vốn đã ít, nhưng để "chèo kéo" được khách cũng rất gian nan.

Trước ảnh hưởng của giá xăng tăng, một số hãng xe ôm công nghệ đã tăng giá cước dịch vụ kể từ ngày 10/3. Đơn cử, GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Trong khi đó, giá cước GrabBike mới tại TPHCM là 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị giảm 2.000 đồng thuế môi trường với mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu, gấp đôi mức đề xuất của Bộ Tài chính.
Theo Bộ Công Thương, việc giảm mạnh thuế là để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng mạnh, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.
Mức đề xuất này của Bộ Tài chính bị các doanh nghiệp, hiệp hội chê là quá thấp và không nhiều ý nghĩa. VCCI cũng đề nghị tăng mức giảm thuế này lên 50% mức đang áp dụng, 1.000 đồng với mỗi lít dầu; 2.000 đồng với mỗi lít xăng.
Doanh nghiệp và tiếp thị