Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ ngày 25/9/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 ( tuyến đường sắt Cát Linh, Hà Đông khởi công tháng 11/2011). Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện. Tại ga S11 (khu vực Quốc Tử Giám giao Văn Miếu), căn nhà cuối cùng mới được phá dỡ xong vào tuần trước.
Anh Nguyễn Xuân Lộc, chủ nhà cho biết đây là căn biệt thự rộng hơn 200 m2, được xây từ trước năm 1945. Chủ đầu tư muốn thu hồi hơn 80m2 nhưng theo anh Lộc thì khu vực đó là nơi chịu lực, nếu phá dỡ một phần có thể gây đổ sập, mất an toàn nên anh không đồng ý.
Sau nhiều năm, chủ đầu tư đã đồng ý với phương án phá dỡ toàn bộ căn nhà và cùng anh Lộc xây dựng nhà trong diện tích còn lại. Vì thế, mặt bằng cuối cùng cũng được bàn giao.
Trước đó, một đoạn đường dài 195 m trên phố Quốc Tử Giám đã được rào lại từ tháng 10/2019 để phục vụ thi công. Tuy vậy, do còn vướng căn nhà số 23 nên ga S11 chưa thể hoàn thiện.
Tại khu vực ga S12 (đường Trần Hưng Đaọ, gần ga Hà Nội) một vài căn nhà đã được quây tôn nhưng chưa phá dỡ. Người dân vẫn chưa được di dời.
Từ cuối tháng 6 năm nay, liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) và Ghella (Ý) đã có văn bản thông báo dừng thi công và đòi bồi thường 114,7 triệu USD (khoảng 2.600 tỷ đồng) vì chủ đầu tư là ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng. Trước đó, nhà thầu này cũng nhiều lần đòi bồi thường với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện tại các công trường ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đều không có công nhân làm việc. Sắt thép trở nên gỉ sét vì phơi nắng mưa. Khu vực ga S12 do thấp hơn mặt đường nên còn bị đọng nước mưa.
Một người dân sống gần công trường cho biết từ tháng 6/2019, bà được thông báo là công trường sẽ thi công trong khoảng 15-17 tháng nhưng đã gần 30 tháng trôi qua mà vẫn chưa xong. Do đường bị rào, việc buôn bán của bà trở nên ế ẩm. Xe cộ cũng rất khó lưu thông.
Tương tự, tại khu vực ga S9 trên đường Kim Mã, công trường phía trên hầm cũng không có một bóng công nhân mà chỉ có vài bảo vệ trông coi.
Ông Nguyễn Cao Minh, trưởng Ban đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thừa nhận có việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu nên đã kéo dài thời gian và ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn dự án. Tuy nhiên, ông Minh cho biết đã từ chối bồi thường và yêu cầu nhà thầu cung cấp thông tin chứng minh cụ thể thiệt hại.
"Việc dự án có việc dự án có phải đền bù hay không, đền bù bao nhiêu hai bên cần có quá trình trao đổi, thống nhất. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện đền bù hết số tiền phía nhà thầu yêu cầu", ông Minh chia sẻ.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Tính đến nay phần đoạn tuyến trên cao đã hoàn thiện 100% tiến độ.
10 đoàn tàu nhập từ Pháp đã về đến dự án. Dự kiến vào tháng 12/2021, tất cả các đoàn tàu của dự án sẽ chạy thử liên tiếp.
Doanh nghiệp và tiếp thị