Xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

31/05/2022 13:01

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi, các bộ, ngành và địa phương cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 3423/TTr-BKHĐT ngày 26/5/2022 gửi Chính phủ về xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW (Chương trình hành động của Chính phủ).

Nghị quyết số 11-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vì vậy, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, trong đó quy định các nhiệm vụ của các bộ, cơ quan có liên quan và địa phương với tiến độ hoàn thành cụ thể là cần thiết.

Mục đích của Chương trình là tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và các chủ trương định hướng của Bộ Chính trị đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW phải được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 11-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Đồng thời, thể hiện được vai trò kiến tạo, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Vùng tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết 11-NQ/TW.

Mục tiêu đến năm 2030 Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Theo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ gồm 3 Điều, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương trong vùng triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết 11-NQ/TW như công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW; hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tờ trình nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW. Đối với các ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, tiếp thu và hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ; bảo đảm cụ thể hóa được đầy đủ và toán bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Bộ Chính trị quy định trong Nghị quyết 11 -NQ/TW gắn với lộ trình thực hiện phù hợp; tiếp thu đầy đủ các đề xuất nhiệm vụ, đề án của các bộ, ngành và các địa phương đưa vào Chương trình hành động và bảo đảm phù hợp và cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Bộ Chính trị quy định trong Nghị quyết 11-NQ/TW, là những nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, không phải nhiệm vụ thường xuyên hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công theo dõi, quản lý của các bộ, ngành và địa phương; không trùng lặp với các nhiệm vụ, đề án đã có trong các Nghị quyết khác và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các nhiệm vụ có lộ trình thời gian và kết quả đầu ra, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, địa phương về việc điều chỉnh hợp lý đối với thời gian và phù hợp với thẩm quyền xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ và địa phương thì đề nghị đưa vào chương trình hành động do các bộ, địa phương ban hành để tổ chức thực hiện, không đưa vào chương trình hành động của Chính phủ.

Tờ trình cũng làm rõ thêm một số nội dung về ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình hành động một số nhiệm vụ về xây dựng các Luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; một số nhiệm vụ có phạm vi thực hiện chung trong cả nước; các nhiệm vụ và đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của bộ, địa phương; vấn đề tránh trùng lắp nội dung, nhiệm vụ tại các chương trình hành động; về cơ chế phân bổ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng; chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng, phát triển chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới; phát triển các hành lang kinh tế; kết nối nội vùng và với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng.

Tuệ Minh