Sở Nội vụ tỉnh Long An hôm nay thông tin trên báo Tuổi trẻ online, trong ngày, đoàn kiểm tra của Sở đã tiếp tục đến kiểm tra tại hộ bà Cao Thị Cúc (ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa), nơi từng tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" sau đó đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".
Ông Nguyễn Văn Mưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Long An trả lời báo Tuổi trẻ, đơn vị chức năng xác định có 7 trẻ em (sinh từ khoảng năm 2014 đến năm 2017) đều đang sinh sống với 3 người mẹ ruột ngay tại hộ bà Cao Thị Cúc. Song đáng nói, tất cả 7 bé sống cùng mẹ ruột đều không được những người lớn và mẹ ruột cho biết sự thật về thân nhân của mình.
Ngoài ra, còn có 1 bé đã được bà Cúc hoàn tất các thủ tục pháp lý nhận con nuôi và 1 bé vừa được cậu ruột đến đón về sống tại Huế.
Vị này cho biết, tại thời điểm kiểm tra mới đây, trên tường nhà bà Cúc vẫn còn dòng chữ "Thiền am bên bờ vũ trụ". Thế nhưng khi đơn vị chức năng hỏi về việc dựng tượng Phật và mặc trang phục gần giống tu sĩ Phật giáo thì những người trong nhà bà Cúc lại nói đây là nhà riêng và việc ăn mặc như vậy là để tu tại gia.
Cũng trong hôm nay, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An thông tin trên tờ Người lao động, công an đang vào cuộc vụ Tịnh thất Bồng Lai và mọi việc cơ bản đã xong.
"Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo xử lý, đã cơ bản rồi. Hôm đó, nghe thông tin bà Hằng (Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương – PV) đến Tịnh thất Bồng Lai, chúng tôi cũng đã xuống xử lý", Chủ tịch Út nói với nguồn trên.
Những em nhỏ ở Tịnh thất Bồng Lai khi tham gia các cuộc thi được giới thiệu là "trẻ mồ côi"
Trước đó, trong cuộc họp báo Bộ Nội vụ vào chiều 5/11, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng khẳng định, vụ việc cơ sở Tịnh thất Bồng Lai, sau đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ, có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ có nêu, cơ sở Tịnh thất Bồng Lai thực chất là cơ sở gia đình riêng, do bà Cao Thị Cúc (hộ khẩu thường trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng. Người của nơi này tự ý chuyển tượng Phật và đồ thờ cúng vào, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
"Vụ việc này có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Mặc dù bà Cúc khẳng định bà thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo. Trong quá trình làm việc, ông Lê Tùng Vân - người sống cùng bà Cao Thị Cúc - khẳng định đây không phải là chùa mà là nhà riêng, tuy nhiên bà Cúc vẫn cho treo biển cơ sở tôn giáo", Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng nói.
Theo phóng sự trên Truyền hình Long An, ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hoà Khánh Tây nói: "Địa phương đăng ký quản lý khai sinh đối với 3 em, gồm: Lê Thanh Mẫu Nghi, Lê Thanh Pháp Vương đều có mẹ là Lê Thanh kỳ Duyên. Lê Thanh Minh Triết có mẹ là Lê Thanh Huyền Trang. Các em đều có mẹ mà không có cha. Còn lại một số em đăng ký khai sinh ở địa phương khác".
Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An trước đó khẳng định, nơi tự xưng là Tịnh thất Bồng Lai ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa không phải là tự viện hợp pháp.
"Đây là không phải là một cơ sở của Phật giáo mà chỉ mượn danh xưng là cơ sở Phật giáo. Lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức phật giáo thế giới và gần nhất là tổ chức phật giáo của nước nhà", VTV dẫn thông tin từ Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An.
(Tổng hợp)