Vụ đề nghị hủy án ly hôn vợ chồng Trung Nguyên: Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nói gì?

15/01/2022 13:00

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, trên cơ sở kiến nghị của Viện trưởng VKSND TC về vụ ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên, HĐTP TAND tối cao sẽ tổ chức phiên họp xem xét, quyết định.

Quy trình xem xét kiến nghị của VKS ra sao?

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị hủy quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm về phần chia tài sản chung.

Trao đổi với PV, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao.

Trong đó, quy định Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định nói trên của HĐTP TAND tối cao trong một số trường hợp cụ thể tại điều 358 như sau:

Khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TAND tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó; nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao; hoặc đề nghị của Chánh án TAND tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó.

Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc Chánh án TAND tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo HĐTP TAND tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.

 Vụ đề nghị hủy án ly hôn vợ chồng Trung Nguyên: Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nói gì? - Ảnh 1.

Trung tướng Trần Văn Độ.

Theo Trung tướng Độ, đối chiếu vào vụ ly hôn của ông bà chủ Trung Nguyên thì việc Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị như trên là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao thì HĐTP Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức phiên họp xem xét, quyết định.

"Ở đây, thẩm quyền sẽ thuộc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Nếu khi xem xét theo kiến nghị, HĐTP TAND tối cao thấy không cần xem xét lại hay thay đổi thì thôi còn nếu cần phải thay đổi thì sẽ có quyết định cụ thể", Trung tướng Độ nói.

Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao cho biết thêm, từ thực tế theo dõi Bộ Luật Tố tụng dân sự các nước, ông thấy, hiện nay chỉ duy nhất Việt Nam quy định thủ tục tố tụng về việc xem xét lại quyết định của HĐTP TAND tối cao.

"Về nguyên tắc tố tụng ở các nước, khi HĐTP TAND tối cao đã ra phán quyết thì không ai có quyền xem xét lại tính đúng sai nữa nhưng hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn cho phép. Điều này tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu, xem xét, sửa lại cho phù hợp với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, qua quá trình công tác của tôi nhiều năm qua, kể từ khi pháp luật Việt Nam có quy định này thì đây là lần đầu tiên có kiến nghị HĐTP TAND tối cao xem xét lại chính quyết định giám đốc thẩm của mình như vậy", Trung tướng Độ nói thêm và bày tỏ, chưa rõ việc xem xét này sẽ như thế nào.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cũng cho hay, việc xem xét kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao trong trường hợp này sẽ do HĐTP TAND tối cao tổ chức phiên họp, quyết định.

Phiên họp này theo quy định sẽ có sự tham gia của Viện trưởng VKSND Tối cao.

"Viện Kiểm sát qua quá trình kiểm sát nếu thấy có căn cứ sẽ kiến nghị. Trên cơ sở này, HĐTP sẽ tổ chức phiên họp xem xét. Tuy nhiên, việc có chấp nhận hay không chấp nhận kiến nghị này sẽ do HĐTP TAND tối cao quyết định cụ thể", tướng Bộ nêu thêm.

Kiến nghị cụ thể của Viện trưởng VKSND tối cao

Kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao do Phó Viện trưởng Nguyễn Duy Giảng ký tại vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Vũ và bà Thảo được ban hành ngày 12/1.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Cấp phúc thẩm đã bỏ qua việc này.

Kiến nghị thể hiện, bà Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền, để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo.

Quyết định giám đốc thẩm buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường là "không phù hợp" quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Việc nhận định "nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân" bị VKSND Tối cao cho rằng "không có cơ sở".

Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm hai người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỷ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà.

Kiến nghị còn nêu, bà Thảo ngoài nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên. Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong "thực hiện nghĩa vụ của người chồng" theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.

Từ phân tích trên, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm cùng 2 bản án sơ, phúc thẩm trong vụ về phần chia tài sản chung, giao TAND TP HCM xử lại.

https://soha.vn/vu-de-nghi-huy-an-ly-hon-vo-chong-trung-nguyen-nguyen-pho-chanh-an-tand-toi-cao-noi-gi-20220114120705007.htm

Theo Hoàng Đan

Doanh nghiệp và tiếp thị