Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

18/03/2024 20:10

Thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng và được đông đảo người dân tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng.


photo-1710754770475

Hiện phần lớn người dân Vĩnh Phúc cũng đã tiếp cận, sử dụng thành thạo các phương thức thanh toán qua thẻ ATM, chuyển khoản ngân hàng, hoặc ứng dụng tài chính như Viettel Money. 

Chị Nguyễn Hiền, một tiểu thương tại chợ Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết: "Tôi mới đặt mã QR để khách thanh toán vài tháng gần đây. Về cơ bản là thuận tiện trong quá trình mua, bán, và cũng giảm hẳn việc nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Khách giờ phần lớn họ biết thanh toán online cả rồi". 

Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đạt trên 60%. Toàn tỉnh có hơn 880.000 tài khoản thanh toán và 376.000 thẻ ATM được mở bằng phương thức điện tử; gần 30.000 tài khoản Mobile Money, trong đó có khoảng 40% tài khoản được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... 

Tính đến đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng số lượng giao dịch qua Internet tăng hơn 64% và tăng gần 35% giá trị.

Để có kết quả này, trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về các hình thức thanh toán. Triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như giảm phí dịch vụ, liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng...

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền, nhất là thanh toán điện tử, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong các dịch vụ hành chính công; phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử; thu - nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán viện phí, bảo hiểm, chi trả trợ cấp, an sinh xã hội, trả tiền điện, nước... thông qua tài khoản ngân hàng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 242 máy ATM, 980 máy POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học... 

Cùng với đó, việc sử dụng mã QR đã được ứng dụng và triển khai rộng rãi, nhằm thúc đẩy, khuyến khích thanh toán qua thiết bị di động phù hợp với xu thế phát triển thế giới và hành vi người tiêu dùng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn phát triển hệ sinh thái số với những sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: Mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip)… góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân.