Đối với MoMo - startup trong lĩnh vực fintech của Việt Nam, chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Grab, Sea và các đối thủ khác trên thị trường 100 triệu dân có thể chỉ là một tách cà phê. Trước khi Việt Nam giãn cách xã hội vì Covid-19, MoMo chạy một số chương trình khuyến mãi với các chuỗi các phê lớn nhất nước. Người dùng được giảm giá khi thanh toán bằng bằng ứng dụng. Chương trình khuyến mãi mang đến sự tiện dụng cho người dùng. Người dân có thể ngồi ở nhà, đặt hàng qua ứng dụng, thanh toán rồi nhận hàng.
Tư duy của startup này là ở một đất nước với 80% thương mại vẫn ngoại tuyến, mua một tách cà phê với giá hợp túi tiền đủ phổ biến để khuyến khích người dùng mở ứng dụng hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày. Điều đó có thể làm tăng cơ hội sử dụng các dịch vụ khác của MoMo, chẳng hạn mua vé xem phim, đặt đồ ăn, đặt vé máy bay hoặc chơi trò chơi.
Danh mục dịch vụ đa dạng đã giúp thúc đẩy doanh thu tại MoMo ngay cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay. "Chúng tôi tự tin rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, MoMo sẽ duy trì ít nhất 70% doanh thu so với một tháng bình thường", ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo nói với Nikkei.
MoMo, viết tắt của Mobile Money, ra mắt vào năm 2013 và đã trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam. Ứng dụng đã xây dựng được mối quan hệ với hàng chục nghìn cửa hàng ngoại tuyến. Công nghệ đã giúp họ chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng một cách thuận tiện. Theo báo cáo của MoMo, công ty đang chiếm 60% thị phần thanh toán di động của Việt Nam, xử lý giao dịch trị giá 14 tỷ USD hàng năm cho hơn 25 triệu người dùng.
Tuy nhiên, sự nổi lên của MoMo đã thu hút các đối thủ ở nước ngoài, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á. Trong đó có hàng chục "tay chơi", bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Sea và Grab. Các nhà phân tích dự đoán sẽ có rất ít công ty còn tồn tại được sau cuộc chiến. Không chỉ cạnh tranh với nhau, các ứng dụng còn phải cạnh tranh với các dịch vụ tương tự đến từ các ngân hàng và công ty viễn thông.
Takahiro Suzuki, đối tác quản lý của Genesia Ventures và là nhà đầu tư lâu năm tại Indonesia, Việt Nam, nhận định: "Có thể chỉ vài tên tuổi còn lại sau cuộc cạnh tranh khốc liệt. Những người ở lại đều có túi tiền rủng rỉnh. Miễn là dòng tiền tiếp tục được luân chuyển, nhiều công ty vẫn có thể cùng nhau tồn tại. Đó là trận chiến đau thương".
Trận chiến đau thương mà ông Suzuki nhắc đến có lẽ sẽ trở nên khốc liệt hơn khi VNLife, công ty đứng sau ví di động VNPay được SoftBank Group rót vốn. Tháng trước, công ty thông báo đã huy động được 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, PayPal Ventures và các quỹ đầu tư khác.
Ngoài việc mở rộng mạng lưới cửa hàng chấp nhận ứng dụng, MoMo đang chạy đua để mở rộng bộ dịch vụ của mình, phân nhánh sang các lĩnh vực như bảo hiểm xe máy và cho vay tiêu dùng. Startup này đã mua lại một công ty phần mềm để tăng tốc độ phát triển sản phẩm. Có thể sẽ có thêm nhiều giao dịch nếu muốn giống những gã khổng lồ fintech khác ở châu Á như Ant Group của Trung Quốc và Paytm của Ấn Độ. Công ty đang cố gắng phát triển từ một doanh nghiệp thanh toán thành một ngân hàng kỹ thuật số chính thức.
Theo Nikkei, Việt Nam có ngành công nghiệp khởi nghiệp lâu đời nhất Đông Nam Á. Nền kinh tế trị giá 340 tỷ USD của Việt Nam cũng nhỏ hơn của Indonesia, Thái Lan và Philippines. Nhưng các nhà đầu tư nói rằng lĩnh vực fintech của Việt Nam đặc biệt hấp dẫn vì một số lý do.
Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất khu vực với khoảng 80% dân số trưởng thành. Tuy nhiên số lượng chi nhánh ngân hàng trên đầu người tương đối thấp. Các cơ quan quản lý cũng có nhiều động thái ủng hộ đối với ngành fintech. Hàng chục ví điện tử đã được cấp phép trong nước. Những yếu tố này hợp thành mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp muốn cung cấp dịch vụ tài chính thông qua smartphone.
Một số nhà phân tích cho rằng Covid-19 đã cắt bớt nút thắt lớn giúp fintech có thể cất cánh. Việc thuyết phục các cửa hàng chấp nhận ví di động là một nhiệm vụ khó khăn nhưng hạn chế trong giãn cách khiến họ phải tìm các tiếp cận người dùng qua Internet. Giờ đây, thương mại trực tuyến đang trở nên phổ biến khắp nơi.
Giám đốc MoMo thừa nhận, vấn đề lớn với các startup fintech trong nước hiện nay là thành công của họ đã thu hút sự chú ý của nhiều đối thủ đáng gờm. Trong đó có VNG với dịch vụ thanh toán ZaloPay. "Lợi thế cạnh tranh rất lớn của ZaloPay là liên kết với Zalo, ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất cả nước", tiến sĩ Huy Phạm, điều phối viên tại FinTech - Crypto Hub của Đại học RMIT Việt Nam nhận định.
Tại Trung Quốc, Tencent đã sử dụng cơ sở người dùng WeChat lớn của mình để triển khai dịch vụ thanh toán, dịch vụ này nhanh chóng trở thành một trong hai ví điện tử thống trị tại thị trường tỷ dân. Trong khi đó, Grab đã hợp tác với Moca, một công ty thanh toán di động địa phương và biến nó trở thành lựa chọn thanh toán chính cho các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn của mình.
Sea có trụ sở tại Singapore, công ty trò chơi và thương mại điện tử, cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Sea cũng vận hành Now, một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất của Việt Nam.
Nhiều người Việt đang tải 4 - 5 ví điện tử về dùng cùng lúc. Họ sẽ tìm kiếm nơi nào có khuyến mãi tốt nhất để mua sắm. Chuyên gia kinh tế Huy Phạm cho rằng thách thức lớn nhất với các ứng dụng này là giữ chân người dùng trung thành cả khi không triển khai các khuyến mãi.
"Một thách thức khác với các ví điện tử là giờ đây các ngân hàng bắt đầu cung cấp hầu hết dịch vụ tương tự ứng dụng fintech. Hơn nữa, chương trình thí điểm Mobile Money bắt đầu vào năm 2021 cho phép người dân thanh toán qua số điện thoại mà không cần ví điện tử hay tài khoản ngân hàng cũng đe doạ tương lai các startup fintech. Họ buộc phải thay đổi để tạo nên khác biệt nếu muốn tồn tại trong cuộc chiến này", ông Huy nhận định.
Khương Nha (theo Nikkei)