Việt Nam đang có bao nhiêu trạm sạc xe điện?

08/10/2024 12:45

"Độ phổ biến của trạm sạc" đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của người tiêu dùng.

KPMG và Chợ Tốt Xe thực hiện khảo sát 1.106 người đến từ nhiều tỉnh thành, 73% trong số đó thuộc nhóm trẻ và trung niên (từ 25 đến 44 tuổi). Phần đông người được hỏi (43%) có thu nhập hàng tháng dưới 20 triệu đồng; nhóm có thu nhập từ 40 triệu đồng mỗi tháng trở lên chiếm tổng cộng 26,9%, gồm 11,3% có thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng, và 15,6% có thu nhập trên 60 triệu đồng hàng tháng.

Khảo sát này được thực hiện với 50% người đang sinh sống tại TP HCM - chiếm đa số, theo sau là Hà Nội với 18%, và Đà Nẵng chiếm 4%; 70% người được hỏi là nam giới; và có tới 57% là lao động trí óc.

VinFast có độ phủ trạm sạc lớn nhất VN hiện nay. VinFast có độ phủ trạm sạc lớn nhất VN hiện nay.

Một trong những kết luận được đưa ra của khảo sát là độ phủ của trạm sạc là yếu tố tối quan trọng với người tiêu dùng Việt. Với câu hỏi "Các yếu tố dưới đây tác động thế nào đến quyết định mua xe điện?", người tiêu dùng Việt đã đánh giá yếu tố "Độ phổ biến của trạm sạc" có điểm cao nhất, với 4,04 điểm.

Với câu hỏi "Đâu là những yếu tố tác động đến quyết định không mua xe điện?", người được hỏi sẽ chọn ra 3 đáp án phù hợp nhất. Kết quả khảo sát cho thấy yếu tố tác động lớn nhất là "Trạm sạc không phủ đủ rộng" với 18%.

Theo sau đáp án đó, các yếu tố như "Quãng đường mỗi lần sạc hạn chế" và "Thời gian chờ sạc dài" đều là các vấn đề mà người dùng lo ngại, chiếm 17%. Còn lại là các đáp án môi trường, hậu mãi, chi phí sở hữu… chiếm không đáng kể.

Doanh nghiệp nào có độ phủ trạm sạc lớn nhất Việt Nam?

Tính đến tháng 12/2023, VinFast đã phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, có mặt trên 106 tuyến quốc lộ, cao tốc, đạt mật độ cách nhau khoảng 3,5 km ở 80 thành phố trên cả nước. Các trạm thường gồm các cổng sạc có công suất khác nhau, từ loại thường cho đến siêu nhanh.

Thậm chí, một chủ xe từng tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi tại khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chỉ có trạm sạc xe điện mà không hề có cây xăng.

Hệ thống trạm sạc VinFast hiện có hơn 150.000 cổng sạc. Hệ thống trạm sạc VinFast hiện có hơn 150.000 cổng sạc.

Bên cạnh hạ tầng trạm sạc sẵn có của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN - đơn vị đóng vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc trên toàn cầu cho VinFast.

Tại Việt Nam, V-GREEN đặt kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp hệ thống trạm sạc. Bức tranh trạm sạc tại Việt Nam nhờ thế sẽ ngày càng hoàn thiện.

Với xe điện thương hiệu khác, có thể sạc chậm bằng nguồn điện dân dụng, sạc nhanh tại nhà bằng trụ điện do hãng cung cấp, sạc nhanh ở trụ đặt ở đại lý hoặc sử dụng dịch vụ sạc của các bên cung cấp độc lập.

Các thương hiệu trạm sạc độc lập xuất hiện

Evercharge có 19 điểm sạc, gồm 8 điểm ở miền Bắc, 5 điểm ở miền Trung, 6 điểm ở miền Nam. Có 1-2 trụ sạc tại mỗi điểm, một số nơi được trang bị 5-10 trụ. Chỉ có một số ít là được trang bị sạc nhanh DC.

EV One có 24 điểm sạc, bao gồm 3 điểm ở miền Bắc, 5 điểm ở miền Trung, 16 điểm ở miền Nam. Trong đó, các đại lý hãng xe Audi ở Bắc và Nam đều trang bị sạc nhanh DC của hãng này.

Charge+ có đặt trạm sạc nhanh DC 350 kW tại đại lý Porsche ở TP HCM và Hà Nội. Dự kiến trong thời gian tới sẽ cùng Porsche triển khai thêm 17 điểm sạc DC trải dài trên 1.700 km tại Việt Nam.

Hồi tháng 8/2024, PV Power - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã công bố bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc nhằm mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh.

Trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên của PV Power sẽ đặt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng. Trạm sạc nhanh có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50-60kW/cổng sạc.

Số lượng trạm sạc tại Việt Nam đang được đầu tư bởi các doanh nghiệp độc lập. Ảnh minh hoạ. Số lượng trạm sạc tại Việt Nam đang được đầu tư bởi các doanh nghiệp độc lập. Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ doanh nghiệp này, doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh , tương đương với trạm sạc do VinFast vận hành và thấp hơn một số đơn vị bên thứ 3 khác.

Bước đầu, PV Power sẽ xây dựng trạm sạc thí điểm, sau đó sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.

Trong khu vực, tính 20/3/2024, tổng cộng có 2.214 trạm sạc xe điện đã được lắp đặt trên khắp Malaysia. Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp nước này duy trì cam kết phát triển cơ sở hạ tầng và đạt được mục tiêu 10.000 điểm sạc vào năm 2025, hãng tin Bernama cho hay.

Theo Thaiger, Thái Lan có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trạm sạc xe điện độc lập. EA Anywhere là trạm sạc EV hàng đầu tại Thái Lan, do Energy Absolute điều hành, có hơn 100 trạm sạc trên khắp Thái Lan.

PTT EV Station Pluz đang vận hành khoảng 50 trạm sạc, có kế hoạch mở rộng. MEA EV có 11 điểm dịch vụ và 2 điểm dịch vụ bổ sung. 42 điểm sạc của EGAT trên toàn quốc.

Không bắt buộc phải cài đặt ứng dụng để sạc xe điện ở Thái Lan, nhiều mạng lưới sạc có các ứng dụng có thể xác định vị trí các trạm sạc, kiểm tra tình trạng trống và bắt đầu các phiên sạc.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam đang có bao nhiêu trạm sạc xe điện?" tại chuyên mục XE 360.