Vì sao Luật sư nói 'núi nhôm' 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm?

01/12/2021 08:25

Theo luật sư Trần Minh Cường, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam gặp phải câu chuyện hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu nhằm lách thuế.

KHÔNG PHẢI LẦN ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

Gần đây, ngành sản xuất của thế giới sau đại dịch Covid-19 lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu nhôm trầm trọng. Vì vậy, truyền thông quốc tế đã nhanh chóng lật lại thông tin về kho dự trữ nhôm 1,8 triệu tấn ở Việt Nam có liên quan đến điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng năm 2016.

Đồng thời, CRU – một trong những công ty tư vấn quan trọng nhất trong ngành - đang lo ngại vì một phần trong "núi nhôm" này có thể phải bán dưới dạng phế liệu vì đã hơn 10 năm tuổi.

Mặc dù vậy, đến năm 2020, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc vẫn khẳng định, tại thời điểm đó, cơ quan Hải quan chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm về xuất xứ đối với số lượng nhôm của Công ty Nhôm Toàn cầu mà dư luận cho rằng là nhôm Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để xuất sang Mỹ.

Vì sao Luật sư nói núi nhôm 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm? - Ảnh 1.

"Núi nhôm" có liên quan đến vị tỷ phú Trung Quốc đang được giữ tại Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam.

Phóng viên đã liên hệ với Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM để tìm hiểu thêm về sự việc trên. Luật sư cho biết đây không phải là vụ việc đầu tiên mà Việt Nam gặp phải câu chuyện hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu nhằm lách thuế.

Luật sư nhận định, đây là trường hợp khá nguy hiểm, vì chỉ từ một vài vụ việc của một số công ty mà có thể khiến cho cả ngành hàng "điêu đứng".

Vị luật sư cũng nêu một trường hợp ví dụ là cuối năm 2017, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ - DOC cũng cho rằng thép các bon (tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) khi được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.

Do đó, 2 sản phẩm này từ Việt Nam nhập vào Mỹ phải chịu với mức thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ và mức thuế AD là 265,79% và thuế CVD là 256,44% mà Mỹ đang áp dụng cho sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc.

"Vào cuối năm 2019, DOC đã thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% lên một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ".

Vì sao Luật sư nói núi nhôm 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm? - Ảnh 2.

Luật sự Trần Minh Cường lên tiếng giải đáp thắc mắc vấn đề thông luật quốc tế đối với "kho báu" này.

NHỮNG HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Theo vị luật sư, đối với "kho nhôm trị giá 5 tỷ USD", các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không thu giữ mà chỉ "ngăn chặn" việc doanh nghiệp lợi dụng thuế suất rẻ để xuất khẩu lô hàng sang Mỹ nhằm tránh nguy cơ Mỹ điều tra, áp đặt thuế đối với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

"Vì theo thông tin của cơ quan quản lý thì tại thời điểm phát hiện vụ việc, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, còn nhôm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 374% - cao gấp 25 lần".

Vì sao Luật sư nói núi nhôm 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm? - Ảnh 3.
Vì sao Luật sư nói núi nhôm 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm? - Ảnh 4.

Toàn cảnh núi nhôm dài hàng chục mét.

Luật sư Cường cho rằng hiện nay có tình trạng giả mạo, mượn danh xuất xứ Việt Nam dẫn đến hậu quả là các doanh nghiệp và một ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá... rất cao.

Điều này vô hình chung sẽ khiến cho giá bán sản phẩm tăng cao (do phải chịu thuế suất cao) và dần dần sẽ khiến cho thị phần xuất khẩu của ngành hàng này sụt giảm mạnh vì mất yếu tố cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Riêng vấn đề "giải phóng" lô hàng này dưới nhu cầu của thị trường cũng như các vấn đề liên quan, ảnh hưởng đến môi trường thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần tích cực vào cuộc giải quyết phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

"Đồng thời đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại Việt Nam điều tra, xác minh làm rõ vụ việc cũng như tìm cách giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng số nhôm này qua thời gian dài không còn đủ điều kiện đưa vào lưu thông gây lãnh phí về khía cạnh kinh tế" - luật sư Cường trình bày rõ.

Vì sao Luật sư nói núi nhôm 5 tỷ USD đắp chiếu ở Việt Nam là trường hợp khá nguy hiểm? - Ảnh 5.

Vị luật sư cho rằng Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại Việt Nam điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Trước đó, vào năm 2019, một kho nhôm 1.8 triệu tấn đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng, nhắm hướng đến tỷ phú người Trung Quốc - Lưu Điền Trung - người từng được mệnh danh "vua nhôm".

Đến nay cuộc điều tra chưa kết thúc, "núi nhôm" này vẫn đang được lưu giữ tại kho của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, (KCN Mỹ Xuân B1, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dưới sự giám sát của bảo vệ.


https://doanhnghieptiepthi.vn/vi-sao-luat-su-noi-nui-nhom-5-ty-usd-dap-chieu-o-viet-nam-la-truong-hop-kha-nguy-hiem-161213011200025781.htm

Theo Huy Hậu ghi

Doanh nghiệp và tiếp thị