Vì sao gần 2.500 giáo viên Hà Nội đồng loạt kiến nghị bỏ thi thăng hạng?

03/08/2023 16:05

Nhiều giáo viên tại Hà Nội cho rằng kỳ thi thăng hạng giáo viên mang nặng tính hình thức, tốn kém nhưng lại không đánh giá được thực chất năng lực của giáo viên.

Mới đây, gần 2.500 giáo viên tại Hà Nội đã đồng loạt ký vào tâm thư gửi lên lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để kiến nghị thành phố xem xét bỏ thi thăng hạng giáo viên, chuyển sang xét thăng hạng.

Trong đơn thư gửi các cấp, cơ quan chức năng của Hà Nội, tập thể giáo viên cho biết: “Thực hiện nghị định số 115/2020/NĐ-CP,  thông tư 34/2021/TT-BGDĐT. Công văn số 1783/SNV-CCVC và sau đó là công văn số 2066/SNV-CCVC của Sở Nội Vụ, Ngày 6/7/2023 Sở GD-ĐT Thành Phố đã có công văn 2368/SGDĐT-TCCB hướng dẫn thực hiện việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên đến các trường trên địa bàn. Theo đó, những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng đợt này đã vô cùng phấn khởi, bởi đây là sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích của Nhà nước với những giáo viên có thành tích và cống hiến, có sự nhiệt tâm với nghề.

Vì sao gần 2.500 giáo viên Hà Nội đồng loạt kiến nghị bỏ thi thăng hạng? - Ảnh 1.

Hàng ngàn giáo viên tại Hà Nội kiến nghị xét thăng hạng giáo viên thay vì tổ chức thi. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi tìm hiểu hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chúng tôi thấy băn khoăn. Chúng tôi là những thầy giỏi, cô giỏi cấp cụm, cấp thành phố, những Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, những cán bộ giàu năng lực... đã được khẳng định trong thực tiễn công tác nhưng vẫn có thể không đỗ trong kỳ thi thặng hạng này".

Tâm thư cũng cho biết hiện nay ở nhiều tỉnh thành khác (Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình…), giáo viên từ hạng III được xét lên hạng II mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường THCS, tiểu học từ vài năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi.

“Mặt khác, ngày 13/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ bỏ thi và chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Đồng thời, chúng tôi cũng thấy, việc tổ chức một kì thi cho hàng ngàn giáo viên trên khắp thành phố tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Công sức và thời gian mà giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít. Thiết nghĩ, thời gian ấy, công sức ấy, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều.

Là giáo viên, chúng tôi tự thấy mình đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những  áp lực công việc, trăn trở tìm tòi để có được những bài giảng tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện chương trình phổ thông mới 2018. Việc được hội đồng nhà trường xét duyệt, thông qua hồ sơ dự thi thăng hạng cũng đã chứng tỏ rằng chúng tôi đã có cống hiến, có thành tích, chúng tôi xứng đáng với việc có chức danh ở hạng cao hơn”, tập thể giáo viên viết trong tâm thư.

Từ những lý do trên, tập thể giáo viên kiến nghị thành phố xem xét để xét nâng hạng giáo viên từ hạng III lên giáo viên hạng II mà không qua thi tuyển.

Giáo viên giỏi nhưng thi vẫn dễ trượt như thường?

Nói thêm về đề xuất này, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều giáo viên dạy giỏi đã có những đóng góp rất thiết thực trong quá trình công tác như đạt giải cao trong  các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp cụm, cấp tỉnh, dạy học sinh giỏi các cấp, viết sáng kiến kinh nghiệm, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố, những thành tích đó đã được thực hiện trong thực tiễn công tác nhưng vẫn không được xét tuyển.

“Trên thực tế những giáo viên này đã thực hiện công việc của giáo viên hạng 2 từ rất lâu rồi, bởi vậy việc thi cử như hiện nay chỉ mang tính hình thức, tốn kém và gây áp lực không đáng có cho giáo viên. Đáng ra thành phố nên căn cứ vào hồ sơ, thành tích đã có để xét tuyển thay vì thi tuyển.

Trong phạm vi cả nước, các tỉnh phía nam, miền trung và nhiều tỉnh khu vực lân cận Hà Nội cũng đã chuyển sang xét tuyển thay vì thi tuyển. Ngay trong địa bàn TP Hà Nội, cũng đã có các phòng GD-ĐT xét tuyển cho giáo viên THCS, tiểu học, tại sao giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên được đào tạo bài bản, tốt nghiệp cử nhân đại học, ra trường  có nhiều cống hiến lại không được xét tuyển? Điều này tạo ra sự bất cập, thiếu công bằng giữa các cấp học trong một thành phố và giữa các địa phương với nhau”, thầy Đường cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Đường cũng cho rằng, với kỳ thi này, nhiều giáo viên lớn tuổi dù có trình độ chuyên môn tốt nhưng vẫn rất dễ trượt, khó cạnh tranh với những giáo viên trẻ vì nhiều năm không dùng đến ngoại ngữ.

“Như năm 2020, giáo viên thi nâng hạng tại Hà Nội phải thi 4 môn gồm Tiếng Anh, Tin học, môn chuyên ngành và pháp luật. Trong đó môn Tiếng Anh và Tin học là môn điều kiện, yêu cầu các môn phải đạt trên 5 điểm. Với nhiều giáo viên lớn tuổi trên dưới 50 tuổi ra trường gần 30 năm, yêu cầu công việc lại ít phải sử dụng đến tiếng Anh, thì dù có đạt 10 điểm các môn thi chuyên ngành vẫn trượt thi nâng hạng giáo viên. Với kỳ thi này hoàn toàn không đánh giá đúng được năng lực của giáo viên. Việc đánh giá năng lực phải dựa vào các kỳ thi như giáo viên giỏi cấp cụm, thành phố… hội đồng đánh giá là những giáo viên giỏi kỳ cựu, chuyên gia giáo dục. Tôi cho rằng những giáo viên đạt giải nhất, giải nhì các cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố chắc chắn là người có năng lực chuyên môn cao, thế nhưng khi đi thi nâng hạng chưa chắc họ đã đủ sức cạnh tranh với những giáo viên trẻ thế hệ 9x.

Bên cạnh đó, hiện nay cả nước đang thực hiện chương trình GDPT mới, giáo viên phải nghiên cứu từng bài, tìm cách dạy với từng bộ sách, rất áp lực và mệt mỏi, nếu phải dành thời gian để ôn thi thăng hạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Ngành giáo dục nên giảm những thủ tục hành chính không đáng có để giảm áp lực cho giáo viên”, thầy Đường kiến nghị.

Cô Đào Thị Nga, giáo viên Sinh học bậc THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, trong các văn bản hướng dẫn về thăng hạng giáo viên hình thức xét duyệt có những tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng, nên việc tổ chức một kỳ thi lớn trên toàn thành phố là điều không cần thiết, tốn kém lãng phí và hình thức.

“Hà Nội khá nhiều năm mới tổ chức thăng hạng giáo viên, lần gần nhất là năm 2020 nên số lượng giáo viên dự thi thăng hạng rất lớn trong đó rất nhiều thầy cô lớn tuổi. Việc thi Tiếng Anh, Tin học – những môn đa phần giáo viên không sử dụng thường xuyên trong giảng dạy sẽ là rào cản với nhiều giáo viên lớn tuổi. Đặc biệt, khi nộp hồ sơ nâng hạng, giáo viên đều phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của giáo viên hạng II nên việc thi là không cần thiết và gây lãnh phí”, cô Nga kiến nghị.