‘Vết nứt’ từ khủng hoảng OpenAI: Tâm bão là CEO Sam Altman, quyết định sa thải là đỉnh điểm mâu thuẫn, nội bộ lục đục

11/12/2023 20:07

Ngay cả công ty khởi nghiệp AI hàng đầu thế giới vẫn có thể rơi vào khủng hoảng thì liệu chúng ta có nên đặt niềm tin vào công cuộc phát triển công nghệ mới hay không?

Trưa ngày 17/11, Sam Altman, giám đốc điều hành OpenAI, nhận được cuộc gọi video quan trọng từ một khách sạn sang trọng ở Las Vegas. Vị CEO này tới đây để tham dự giải đua Công thức 1 - sự kiện thu hút 315.000 du khách, trong đó có cả Rihanna và Kylie Minogue.

Cuộc gọi hôm đó có sự tham gia của Ilya Sutskever, nhà khoa học trưởng của OpenAI song ngay từ khi bắt đầu, Altman đã nhận ra điều khác lạ: Ông Sutskever chắc chắn đang không họp một mình. Đằng sau ông còn 3 thành viên hội đồng quản trị khác ‘giật dây’.

Sau cuộc cuộc video kéo dài vỏn vẹn 15 phút, Sam Altman bị đẩy khỏi OpenAI. Bàng hoàng và sốc cực độ, ông quyết định tuyên chiến với cả hội đồng quản trị, thậm chí mạnh miệng tuyên bố “nếu tôi ‘xuống hố’ thì toàn bộ hội đồng quản trị OpenAI cũng phải được chôn cùng”.

Quyết định sa thải Sam Altman đánh dấu đỉnh điểm mâu thuẫn kéo dài suốt nhiều năm tại OpenAI. Chia rẽ ngày càng sâu sắc, trong khi các nhà lãnh đạo âm thầm chỉ trích lẫn nhau. Tâm bão là CEO Altman - một triệu phú 38 tuổi vì vô tình ‘chọc giận’ những người mà bản thân không hề mảy may nghi ngờ.

Sự hỗn loạn của OpenAI đã khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi. Ngay cả công ty khởi nghiệp AI hàng đầu thế giới vẫn có thể rơi vào khủng hoảng thì liệu chúng ta có nên đặt niềm tin vào công cuộc phát triển công nghệ mới hay không?

Kể từ được thành lập vào năm 2015, OpenAI đã sẵn sàng bùng nổ. Phòng thí nghiệm ở San Francisco được ‘thai nghén’ bởi Elon Musk, Altman, Tiến sĩ Sutskever và 9 người khác. Mục tiêu là xây dựng các hệ thống AI giúp mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.

Tuy nhiên, do sự khác biệt về tầm nhìn trong tương lai, Musk chấp nhận rời OpenAI vào năm 2018, trong khi Altman và những thành viên còn lại tập trung phát triển lợi ích tiềm năng của công nghệ.

Năm 2019, Sam Altman trở thành CEO. Ông nhanh chóng thay đổi hướng đi của OpenAI bằng cách thành lập một công ty con vì lợi nhuận và huy động được 1 tỷ USD từ Microsoft. Động thái ngay lập tức đặt ra câu hỏi về cách thức hoạt động của công ty với sứ mệnh AI của hội đồng quản trị.

Đầu năm nay, hội đồng quản trị của OpenAI giảm từ 9 người xuống còn 6. 3 người rời đi tin rằng AI một ngày nào đó có thể tiêu diệt loài người nhờ trí thông minh và kiến thức vô biên.

Thành công của ChatGPT càng khiến nỗi lo dâng lên tột độ. Một số thành viên hội đồng quản trị lo lắng rằng điều đó sẽ đi ngược lại với mong muốn ban đầu là tạo ra thứ AI an toàn, giúp ích cho thế giới.

Tiến sĩ Sutskever, 37 tuổi, người đi tiên phong trong lĩnh vực AI hiện đại, đặc biệt bất bình. Ông sợ công nghệ mới có thể xóa sổ loài người, đồng thời tin rằng Sam Altman đang đi nói xấu hội đồng quản trị với các giám đốc điều hành OpenAI. Một số nhân viên khác cũng đã phàn nàn về hành vi của vị CEO này.

Xung đột lên tới đỉnh điểm, sau đó dẫn đến quyết định sa thải Sam Altman. Ngay lập tức, rất nhiều các giám đốc điều hành công nghệ đã đặt ra câu hỏi: “Sam đã làm gì?”. Phía các thành viên hội đồng quản trị cáo buộc Altman gian lận song không giải thích chi tiết. “Đây là một cuộc đảo chính”, một nhân viên hét lên.

Vào ngày 18 tháng 11, hơn 20 người ủng hộ Sam Altman đã có mặt tại nhà ông để vận động hội đồng quản trị OpenAI phục hồi chức vụ. Bà Murati - ‘nữ tướng’ tạm nắm quyền lãnh đạo OpenAI cũng tham gia vì thừa nhận rằng mình không thể làm giám đốc điều hành tạm thời.

Tận dụng lỗ hổng của hội đồng quản trị, Altman đã đăng trên X: “Tôi rất yêu nhân viên OpenAI”. Bà Murati và hàng chục nhân viên khác ngay lập tức trả lời bằng biểu tượng cảm xúc trái tim.

Trong khi Sam Altman tập hợp được nhiều đồng minh hơn, CEO Microsoft Satya Nadella lên tiếng mời ông gia nhập nhóm nghiên cứu AI tiên tiến mới của tập đoàn. Altman đồng ý.

“Chúng tôi rất vui khi thông báo Sam Altman và Greg Brockman, cùng với các đồng nghiệp của họ, sẽ gia nhập Microsoft để lãnh đạo một nhóm nghiên cứu AI tiên tiến. Chúng tôi sẽ cung cấp cho nhóm những nguồn lực cần thiết để bắt đầu làm việc”, ông Nadella thông báo.

Lý giải về quyết định của mình, Sam Altman thừa nhận: “Tôi yêu OpenAI và mọi thứ tôi làm trong vài ngày qua đều nhằm mục đích duy trì sứ mệnh của nhóm. Gia nhập Microsoft là sự lựa chọn tốt nhất lúc này. Với sự hỗ trợ của CEO Satya, tôi mong muốn được quay trở lại OpenAI và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt với Microsoft”, Altman cho biết trong một tuyên bố đăng trên X.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Sam Altman lại tuyên bố sẽ quay trở lại OpenAI với tư cách giám đốc điều hành. Chia sẻ với báo giới, OpenAI cho biết đã đạt “thỏa thuận” về việc đưa Altman quay về, đồng thời cải tổ lại hội đồng quản trị.

Theo đó, cựu Giám đốc điều hành Salesforce Bret Taylor, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers và nhà sáng lập Quora Adam D'Angelo sẽ là thành viên mới của hội đồng quản trị. Bret Taylor giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ít ai biết được rằng để đi đến quyết định này, OpenAI đã xảy ra một cuộc ‘nội chiến’. Hơn 700 nhân viên đã cùng ký một bức thư, khẳng định rằng họ sẽ theo Altman đến Microsoft trừ khi hội đồng quản trị từ chức. Tiến sĩ Ilya Sutskever cũng đã đổi phe.

“Tôi vô cùng hối hận vì đã đồng minh với hội đồng quản trị”, ông viết trên X.

Khả năng tồn tại của OpenAI bị đặt dấu hỏi sau loạt mâu thuẫn nội bộ. Công ty này cũng đang ‘ngốn’ khoảng 700.000 USD/ngày để chỉ vận hành một trong các dịch vụ AI của mình là ChatGPT. Đây được xem như một cách để Sam Altman đốt tiền, bất chấp việc OpenAI không tạo đủ doanh thu để hòa vốn.

Dẫu vậy, vị thế người tiên phong vẫn là một lợi thế lớn của Open AI. Quá trình đào tạo mô hình đòi hỏi rất nhiều bí quyết kỹ thuật, từ nhận dạng dữ liệu chất lượng cao đến thủ thuật xử lý mã nguồn và Altman ước tính nhiều người trong top 50 thiên tài công nghệ đang cống hiến cho Open AI.

Theo: The New York Times, The Economist