Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 22/10 vaccine phòng COVID-19 Abdala có thành phần hoạt chất protein tái tổ hợp vùng liên kết thụ thể virus tương tác với thụ thể ACE2 của người.
Vaccine Abdala đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19 ngày 17/9. Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp.
Vaccine Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine này chỉ định tiêm phòng cho người từ 19- 65 tuổi, Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5ml, tiêm bắp.
Vaccine chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vaccine (bao gồm cả thiomersal).
- Người mắc bệnh mạn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết: phải cân nhắc trước khi tiêm;
- Người bệnh tăng huyết áp: nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp.
- Người đang bị nhiễm trung cấp tính: hoãn tiêm chủng vaccine Abdala cho đến khi giải quyết hết được tình trạng nhiễm trùng.
Đối với phụ nữ có thai: kinh nghiệm sử dụng vaccine này ở phụ nữ có thai còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật chứng minh vaccine không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển của thai, đến bà mẹ trong khi sinh hoặc sau khi sinh.
Chỉ định tiêm vaccine Abdala trong thai kỳ nên được xem xét nếu lợi ích lớn hơn các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với mẹ và thai nhi.
Về tiêm chủng đồng thời với các vaccine khác, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ không có thông tin về sự tương tác của vaccine phòng COVID-19 Abdala với các loại vaccine khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các phản ứng sau tiêm thể nhẹ chiếm 97% phản ứng sau tiêm chủng và không phải điều trị bằng thuốc, thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau tiêm vaccine.
Các tác dụng không mong muốn xảy ra cao hơn sau liều đầu tiên và giảm sau các liều tiếp theo.
Thử nghiệm lâm sàng sử dụng 215.267 liều cho thấy các biến cố bất lợi rất ít gặp, từ 0,1 đến 1% tổng số liều tiêm.
Chủ yếu phản ứng tại chỗ, hầu hết là đau tại chỗ tiêm, đỏ và cứng (0,85%).
Các phản ứng toàn thân là nhức đầu (0,54%), tăng huyết áp (0,27%), buồn ngủ (0,18%) và mệt mỏi (0,14%).
Các phản ứng: buồn nôn, nôn, đau khớp và tình trạng khó chịu chung xảy ra ít hơn (0,1%).
Sử dụng hơn 3 triệu liều trong cộng đồng, ghi nhận rất hiếm các trường hợp phản vệ, không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng.
Theo Nhịp sống kinh tế