Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Nén tâm hương cho người nằm xuống

19/11/2021 08:10

Từ những gì đã trải qua ở đại dịch Covid-19, chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh tương tự trong tương lai, giảm thiểu những thiệt hại

Nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào lúc 20 giờ ngày 19-11.

Chuẩn bị tốt hơn với nghịch cảnh

Theo kế hoạch, lễ tưởng niệm diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM) và Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội). Hội trường Thống Nhất sẽ là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm, với 1.000 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ - ngành trung ương và TP HCM; thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Còn tại TP Thủ Đức và các quận - huyện số lượng tham dự là 100 đại biểu/địa phương.

Nội dung chương trình bao gồm trình chiếu một số hình ảnh, phóng sự; phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Sau đó, sẽ diễn ra nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Cùng thời điểm, tại TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Nén tâm hương cho người nằm xuống - Ảnh 1.

Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19 được tổ chức ở Việt Nam Quốc Tự (TP HCM) vào ngày 18-11. Ảnh: PHẠM DŨNG

TP HCM sẽ vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn thành phố cùng đánh chuông tưởng niệm; các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng kéo còi tưởng niệm lúc 20 giờ 30 phút ngày 19-11. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ tổ chức thả hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 19-11.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết buổi lễ này nhằm tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với các gia đình có người thân mất vì dịch, cũng như chia sẻ với đồng bào vừa trải qua một trận đại dịch. Lễ tưởng niệm lần này nhắc nhở chúng ta rằng thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ những gì đã trải qua, chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh tương tự trong tương lai, giảm thiểu những thiệt hại.

Cũng vào lúc 20 giờ ngày 19-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước tử vong, hy sinh do đại dịch Covid-19.

Nỗi đau chung

Sáng 18-11, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Văn phòng 2 Trung ương đã tổ chức đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19. Đại lễ kỳ siêu được tổ chức trang trọng tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP HCM) và giới hạn số người tham dự, bảo đảm nguyên tắc 5K.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, là trưởng ban tổ chức. Tham dự có bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cùng đại diện các cơ quan chức năng và đại diện những gia đình có người thân mất do Covid-19. Người thân các nạn nhân Covid-19 rất xúc động khi được tham gia đại lễ kỳ siêu, cảm thấy ấm lòng vì người nhà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng quan tâm.

Buổi lễ có 2 phần chính gồm: nghi lễ đại chúng với sự tham dự của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, đại diện các quận - huyện cùng lãnh đạo TP HCM và nghi lễ truyền thống, tâm linh do chư tăng thực hiện với thời tụng Kinh A Di Đà (cúng cơm cho các hương linh tử vong trong đại dịch Covid-19). Buổi tưởng niệm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thể hiện sự tri ân với các y - bác sĩ, tình nguyện viên tham gia tuyến đầu phòng chống dịch không may mất do Covid-19, đồng thời tưởng niệm đồng bào tử nạn do Covid-19 ở Việt Nam nói riêng, toàn thế giới nói chung.

Tính đến ngày 18-11, cả nước có 23.476 ca tử vong do Covid-19, trong đó TP HCM là 17.347 người. Tại các kỳ họp, hội nghị từ cấp trung ương đến các địa phương, thời điểm khai mạc luôn có 1 phút dành để tưởng niệm những đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Covid-19. Tại TP HCM cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. 

Hà Nội: Thả hoa đăng tưởng niệm

Theo kế hoạch tổ chức của UBND TP Hà Nội, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất lúc 20 giờ ngày 19-11, được truyền hình trực tiếp.

Khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm cả đại diện những gia đình có người mất do Covid-19. Chương trình dự kiến chiếu hình ảnh, phóng sự về công tác chống dịch Covid-19; phát biểu của lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ; nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ mất trong đại dịch. Các đại biểu tham dự buổi lễ sẽ thả hoa đăng tại hồ Ba Mẫu trong khuôn viên Công viên Thống Nhất.

NGUYỄN THỊ HIẾU (phường Cô Giang, quận 1, TP HCM):

Buổi lễ đầy ý nghĩa

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên cả nước đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, rất nhiều người không thể nhìn mặt người thân lần cuối, hàng ngàn trẻ em phút chốc mồ côi.

Buổi lễ nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do dịch Covid-19, cầu nguyện cho các vong linh tử vong được siêu thoát, đồng thời lan tỏa tình nhân ái yêu thương, tiếp tục động viên, khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia phòng chống dịch. Qua buổi lễ cũng nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức. Điều này càng ý nghĩa trong thời điểm hiện tại khi chúng ta đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông ĐINH VĂN HUỆ (phường 15, quận 10, TP HCM):

Để nỗi đau không lặp lại

Việc tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là rất thiết thực. Khó kể hết những hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch, biết bao ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh Covid-19. Rồi những thanh niên tình nguyện đã gác lại hạnh phúc, gác tình riêng... để lao vào tâm dịch với quyết tâm cùng vượt qua dịch bệnh.

Lễ tưởng niệm đồng bào đã mất vì Covid-19 là đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm thiêng liêng của người dân. Lễ tưởng niệm như một lời nhắc nhở mỗi người, khắc sâu vào ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, vào tính toán khoa học và lựa chọn quyết sách của chính quyền để nỗi đau không lặp lại.

Ông LÂM HOÀNG TUẤN (xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An):

Lan tỏa tình nhân ái

Dịch Covid-19 xảy ra không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, đảo lộn cuộc sống mà còn gây ra mất mát, đau thương cho nhiều gia đình. Long An là một trong những địa phương có số ca mắc đứng đầu cả nước, nhiều người mắc bệnh đã tử vong.

Tôi rất xúc động khi biết được có nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, ban - ngành đã có sự thăm hỏi, giúp đỡ rất kịp thời đối với các gia đình có người tử vong do dịch bệnh, nhất là những trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi hoan nghênh, ủng hộ Đảng, nhà nước tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào đã mất do đại dịch và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch Covid-19. Tôi cho rằng đây là một việc làm rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, nhà nước. Tin rằng qua đó sẽ truyền tải, lan tỏa, nhân lên tình nhân ái cộng đồng, xoa dịu nỗi đau, mất mát; đồng thời cũng tiếp tục động viên, tri ân các lực lượng tuyến đầu.

Tr.Hoàng - H.Long ghi