Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hôm nay (20/11), bộ phận không khí lạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo: Khoảng tối và đêm mai (21/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, từ sáng sớm ngày 22/11 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận không khí lạnh phân tích trên nên từ đêm ngày mai (21/11) đến sáng ngày 22/11, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa rào. Từ ngày 22/11, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 22/11, ở Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ, vùng núi 10-13 độ, vùng núi cao dưới 8 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ.
Từ đêm mai (21/11), trong đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5; ở vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; từ ngày 22/11, khu vực vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Khu vực Hà Nội: Đêm mai (21/11) đến sáng ngày 22/11, có mưa, mưa rào. Từ ngày 22/11 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ.
Hiện nay (20/11): Rãnh áp thấp có trục ở khoảng 6,0-10,0 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 01h ở vào khoảng 08.5-09.5oN; 112.5-113.5oE, vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây.
Cảnh báo mưa dông trên biển: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoạt động của vùng áp thấp phân tích trên kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ngày và đêm nay (20/11), ở vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Theo Nhịp sống kinh tế