Tự hào Việt Nam: Sắp phóng "thiên nhãn" LOTUSat-1 lên trời, vệ tinh sở hữu sức mạnh quan sát vượt trội

13/02/2024 12:10

Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ giúp Việt Nam theo dõi thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Hàng năm, Việt Nam đều phải chịu tác động từ các cơn bão nhiệt đới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, chưa kể đến diện tích đất nông nghiệp và các tài nguyên khác cũng bị ảnh hưởng.

Khi biến đổi khí hậu làm gia tăng số lượng các cơn bão và tăng cường tác động của chúng, Việt Nam muốn cải thiện khả năng giám sát, từ đó chủ động ứng phó với thiên tai.

Để thực hiện điều này, Việt Nam có kế hoạch triển khai vệ tinh quan sát Trái đất LOTUSat-1 do Tập đoàn NEC của Nhật Bản chế tạo với cảm biến công nghệ cao: Radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar – SAR), có khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Giữa tháng 1/2024, NEC đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), để trao đổi về quyết định phóng LOTUSat-1 của Việt Nam và lý do chọn hợp tác với Tập đoàn NEC.

LOTUSat-1: "Thiên nhãn" mới nhất của Việt Nam

Năm 2006 đánh dấu thời điểm Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển không gian. Chỉ hai năm sau đó, vào năm 2008, Việt Nam phóng vệ tinh đầu tiên, vệ tinh viễn thông VINASAT-1.

Năm 2011, Việt Nam khánh thành Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và phóng vệ tinh thông tin liên lạc khác là VINASAT-2.

Năm 2013, vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSat-1 bắt đầu sứ mệnh theo dõi tác động của biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai. Dữ liệu đã được sử dụng cả trong nước và hợp tác khoa học quốc tế.

Tự hào Việt Nam: Sắp phóng

Đến năm 2017, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC). Cho đến nay, Việt Nam đã phóng 6 vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh liên lạc hỗ trợ tín hiệu truyền hình, Internet và điện thoại di động.

Giống như VNREDSat-1, vệ tinh LOTUSat-1 được thiết kế giúp Việt Nam ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng ở quy mô lớn hơn với nhiều loại cảm biến khác nhau.

LOTUSat-1 nặng khoảng 600 kg được Tập đoàn NEC chế tạo và sẽ được VNSC vận hành với tư cách là vệ tinh radar đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - một cột mốc quan trọng trong việc phát triển các chiến lược phòng chống rủi ro khí hậu.

Không giống như các vệ tinh quang học, các vệ tinh trang bị công nghệ SAR phản xạ vi sóng khỏi bề mặt Trái đất để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao. Làm việc cả ngày lẫn đêm, những vệ tinh này có thể nhìn xuyên qua đám mây và các hiện tượng thời tiết khác, khiến chúng trở thành công cụ quan trọng trong việc theo dõi các hệ thống thời tiết trong bất cứ điều kiện và thời gian nào.

"Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, mỗi năm chúng tôi mất khoảng 1 đến 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do thiên tai".
Tiến sĩ Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc VNSC

"Mây che phủ xuất hiện trong khoảng 80% các trường hợp này, vì vậy đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng công nghệ SAR có thể hoạt động như một biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu tình trạng thất thoát tài nguyên thiên nhiên" - Tiến sĩ Lê Xuân Huy cho biết thêm.

Việt - Nhật hợp tác vì "trận chiến" cuối cùng

Vệ tinh LOTUSat-1 được chế tạo dựa trên vệ tinh radar nhỏ ASNARO-2 của Tập đoàn NEC và ASNARO-2 đã được phóng đi vào năm 2018.

NEC cũng sẽ cung cấp một trung tâm điều khiển vệ tinh, ăng-ten parabol dài 9,3 mét và cơ sở hạ tầng mặt đất phức tạp như Trung tâm Sử dụng Dữ liệu Nhiệm vụ với hệ thống phần mềm dựa trên GroundNEXTAR của nó. 

LOTUSat-1 là dự án vệ tinh đầu tiên của Nhật Bản sử dụng vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) theo chương trình Điều khoản Đặc biệt dành cho Đối tác Kinh tế (STEP). Theo dự án, hàng chục kỹ sư và nhà quản lý từ Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật Bản để tìm hiểu về phát triển và vận hành vệ tinh nhằm tăng cường giám sát và giảm nhẹ thiên tai.

Là một phần của chương trình hợp tác này, 36 kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã học tại 5 trường đại học lớn của Nhật Bản và phát triển MicroDragon, vệ tinh quan sát Trái đất nặng 50 kg được phóng vào năm 2019 từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở Kagoshima, Nhật Bản.

Giờ đây, Việt Nam đang mong muốn lặp lại thành công đó với LOTUSat-1.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy cho biết: "Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh trên quỹ đạo chỉ là 5 năm nên chúng ta phải học cách sử dụng nó một cách hiệu quả. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và đó là nhiệm vụ mà chúng tôi muốn tiếp tục tích lũy bí quyết từ NEC. Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ dữ liệu vệ tinh với mọi người trong cộng đồng SAR để tận dụng tối đa dữ liệu đó."

Tự hào Việt Nam: Sắp phóng

Tiến sĩ Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC). Ảnh: NEC

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết VNSC quyết định chọn đối tác Nhật Bản cho sứ mệnh quan trọng này một phần vì lịch sử hợp tác khoa học tốt đẹp giữa hai nước.

Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã hợp tác từ năm 2006 thông qua việc thành lập Sentinel-Asia, một hệ thống quản lý thiên tai dựa trên vệ tinh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy cho biết: "Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác. Chính phủ hai nước hỗ trợ lẫn nhau và đó là lý do chính khiến Việt Nam là quốc gia đầu tiên nhận được sự chuyển giao công nghệ cao này từ Nhật Bản, và một trong số đó là thông qua vệ tinh LOTUSat-1. Ngoài dự án này, chúng tôi còn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với JAXA về phát triển không gian trong 17 năm".

Tự hào Việt Nam: Sắp phóng

Sen, quốc gia của Việt Nam, được đặt cho tên của vệ tinh radar đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - LOTUSat-1. Ảnh minh họa

Đối với một thiết bị hiện đại như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cái tên “LOTUS” được chọn. Lotus dịch ra tiếng Việt nghĩa là sen - là quốc hoa của Việt Nam, một biểu tượng của sự thuần khiết và vẻ đẹp tự nhiên được người Việt Nam yêu quý.

Hoa sen được biết đến với khả năng phục hồi và tuổi thọ cao, có thể phát triển mạnh trong điều kiện sinh trưởng kém. Tiến sĩ Lê Xuân Huy và các đồng nghiệp cũng có hy vọng tương tự đối với vệ tinh mới nhất của Việt Nam, hiện dự kiến phóng vào năm 2024.

Nếu như vệ tinh LOTUSat-1 được Tập đoàn NEC chế tạo tại Nhật Bản, thì vệ tinh thứ hai LOTUSat-2 dự kiến sẽ được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng công nghệ radar SAR sẽ hiệu quả hơn để hỗ trợ chúng tôi trong thời điểm thiên tai xảy ra. LOTUSat-1 là vệ tinh SAR đầu tiên của Việt Nam và có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm xuyên qua lớp mây che phủ. Chúng tôi thực sự hy vọng dữ liệu từ LOTUSat-1 có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam".

Dự kiến, vệ tinh LOTUSat-1 được dòng tên lửa đẩy cải tiến Epsilon S của Nhật Bản phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (USC) ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.

Sentinel-Asia được thúc đẩy bởi các đối tác hợp tác trong cộng đồng không gian như APRSAF (Diễn đàn Cơ quan Vũ trụ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương); cộng đồng quốc tế, bao gồm UN ESCAP (Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc tại Châu Á và Thái Bình Dương), UN OOSA (Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề ngoài vũ trụ), ASEAN và Viện Công nghệ Châu Á (AIT); và cộng đồng quản lý thiên tai, bao gồm Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai Châu Á (ADRC) và các nước thành viên.

Nguồn: NEC.com