Từ động đất ở Kon Tum, khẩn cấp tìm cách ứng phó

20/04/2022 12:13

Hàng loạt vụ động đất 2,5-4,5 độ Richter liên tiếp xảy ra tại tỉnh Kon Tum khiến người dân không khỏi lo lắng; các chuyên gia kiến nghị sớm xây dựng kịch bản ứng phó khẩn cấp

Sáng 19-4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum và các công ty quản lý công trình thủy điện trên địa bàn để tìm nguyên nhân, giải pháp ứng phó với hiện tượng động đất gia tăng.

Do thủy điện Thượng Kon Tum tích nước?

Số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong vòng một năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 169 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số trận động đất ghi nhận được trong hơn 100 năm ở đây. Cụ thể, giai đoạn 1903-2020, khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và các vùng lân cận ghi nhận 33 trận động đất độ lớn từ 2,5 độ Richter trở lên, trong đó chỉ có 2 trận động đất trên 3 độ Richter xảy ra vào năm 1937 và 2015.

Tuy nhiên, từ tháng 4-2021 đến nay, hiện tượng động đất xảy ra ở khu vực này có xu hướng tăng tần suất và độ lớn. Riêng 4 ngày qua, từ 15 đến 18-4, khu vực huyện Kon Plông ghi nhận có tới 22 trận động đất với độ lớn 2,5-4,5 độ Richter - con số vượt mức lịch sử.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nhìn nhận động đất nhỏ, động đất kích thích thường xảy ra bởi một tác nhân nào đó, như đập thủy điện kích hoạt xảy ra động đất sớm. "Tháng 3-2021, thủy điện Thượng Kon Tum có tích nước và sau đó liên tiếp xảy ra động đất" - TS Xuân Anh đặt vấn đề.

Ông cũng nhận định thời gian tới, khu vực huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung có thể tiếp tục xảy ra động đất với độ lớn 5-5,5 độ Richter, thậm chí cao hơn.

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, cho rằng cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu thêm để xác định động đất tại huyện Kon Plông có nguyên nhân do nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum tích nước hay không. Theo ông Thực, thủy điện này đang trong quá trình tích nước với dung tích hiện đạt 73%, còn 7 m nước nữa mới đến trình mực nước dâng bình thường.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay khi xảy ra trận động đất vào ngày 18-4, nhà máy và đập của thủy điện Thượng Kon Tum chỉ có rung chấn nhẹ, các thiết bị ở nhà máy vẫn vận hành bình thường.

Từ động đất ở Kon Tum, khẩn cấp tìm cách ứng phó - Ảnh 1.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon TumẢnh: HOÀNG THANH

Cần phương án lâu dài

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết khi trận động đất 4,5 độ Richter xảy ra vào ngày 18-4, khu vực cách tâm chấn 70-80 km cũng bị ảnh hưởng. Bởi vậy, người dân trên địa bàn có tâm lý lo sợ động đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 19-4, một ngày sau khi 5 trận động đất độ lớn 2,9-4,5 độ Richter xảy ra, cuộc sống người dân tại khu vực này đã trở lại bình thường, song nhiều người không khỏi bất an.

Chị Y Long (xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông) kể gần 13 giờ ngày 18-4, khi đang cùng chồng ngồi ăn cơm trong nhà sàn thì nghe tiếng động rất lớn vang lên, mặt đất bị rung lắc rất mạnh trong khoảng 20 giây, đồ đạc trong nhà bị dịch chuyển. "Lúc đó, tôi cảm thấy mặt đất dưới chân như sụp xuống. Sau trận động đất đó, tôi không dám vào những ngôi nhà mới dựng, không chắc chắn" - chị Y Long nói.

Bà Y Xuân (xã Đắk Tăng) cho hay khoảng 1 năm trở lại đây, người dân khu vực này thường xuyên cảm nhận được rung chấn do động đất. Nền nhà bà cũng xuất hiện vết nứt dài hơn 1 m. "Gần đây, hiện tượng rung lắc rõ ràng, mạnh hơn trước. Nhiều đêm tôi không dám ngủ vì sợ nhà sập, ban ngày đi làm thì sợ cây đổ đè người" - bà Xuân lo lắng.

Không riêng nhà bà Xuân, sau trận động đất cường độ lớn chưa từng thấy ở khu vực này, nhiều căn nhà tại đây có dấu hiệu bị nứt, nghiêng.

Ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết tỉnh sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và công bố nguyên nhân cụ thể về việc gia tăng các trận động đất trên địa bàn. Dù các trận động đất chưa gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân song tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát tình hình, chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời.

TS Nguyễn Xuân Anh kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét cho phép nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro của động đất ở khu vực này. Nội dung chính tập trung vào đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy; thiết lập ngay mạng lưới trạm quan sát động đất địa phương; nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận.

Trên cơ sở đó, Viện Vật lý địa cầu đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó. Đồng thời, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nhận định động đất liên tiếp xảy ra tại tỉnh Kon Tum những ngày qua là hiện tượng bất thường. Ông đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến, có nghiên cứu tổng thể để sớm đưa ra cảnh báo và có phương án ứng phó lâu dài.

Tránh để người dân hoang mang

Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cung cấp thông tin nhanh chóng, tránh để người dân hoang mang. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh rà soát, lên kế hoạch ứng phó với sự cố có thể xảy ra. Đặc biệt, dừng tích thêm nước tại hồ thủy điện Thượng Kon Tum; giảm tích nước các hồ chứa, hồ thủy lợi.

Bạn đang đọc bài viết "Từ động đất ở Kon Tum, khẩn cấp tìm cách ứng phó" tại chuyên mục TIN TỨC.