Từ chức không có nghĩa là chấm hết nếu cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu

24/11/2021 16:09

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, từ chức không có nghĩa là chấm hết nếu cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu, mà từ chức là để chuyển tiếp sang một công việc mới phù hợp hơn.

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Đáng chú ý, Quy định này không đề cập việc từ chức theo nghĩa là hành vi tự nguyện, tích cực mà theo nghĩa như một biện pháp xử lý đối với những cán bộ có vi phạm, khuyết điểm chưa đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức.

Nói cách khác, Quy định 41 được ban hành nhằm tạo ra cơ chế buộc cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm phải từ chức khi họ thiếu sự chủ động, tự giác xin thôi chức. Nếu thực hiện hiệu quả Quy định 41 sẽ từng bước xây dựng được văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.

Từ chức chưa trở thành thói quen, văn hóa trong hệ thống

PV: Những năm gần đây, cụm từ “văn hóa từ chức” không còn xa lạ. Mỗi khi có sự kiện, vấn đề nóng xảy ra thì người đứng đầu lĩnh vực, ngành lại bị dư luận điểm mặt, chỉ tên, yêu cầu phải từ chức. Thế nhưng, trên thực tế cũng chẳng thấy vị cán bộ nào từ chức. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là thực trạng đáng buồn. Bởi vì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về ngành, lĩnh vực, cơ quan của mình. Nên khi có vấn đề xảy ra, đặc biệt là vấn đề chấn động dư luận thì rõ ràng anh phải chịu trách nhiệm.

Nếu có văn hóa từ chức thì anh phải chủ động từ chức khi thấy có trách nhiệm ở đây. Có những khi lỗi không hoàn toàn do cán bộ nhưng cần phải có trách nhiệm về cơ quan, bộ ngành của mình. Nhưng có vẻ điều này chưa trở thành văn hóa ở nước ta. Nên có những người sau các rùm beng thì vẫn tại vị.

PV: Theo ông, vì sao cán bộ khó chủ động xin từ chức cho dù có vi phạm khuyết điểm, thậm chí có nhiều người yếu kém trong công tác quản lý, điều hành. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ đổ lỗi cho khách quan, đưa ra mọi lý do để xin rút kinh nghiệm thay vì từ chức?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Có một loạt lý do. Lý do đầu tiên là từ chức chưa trở thành thói quen, văn hóa ở trong hệ thống. Thứ hai, dù có sức ép của công luận nhưng chưa đủ mạnh buộc cán bộ phải từ chức. Thứ ba, do chưa có khuôn khổ nào có thể tác động, tạo điều kiện cho cán bộ từ chức.

Cán bộ từ chức thì sẽ giữ được danh dự, còn nếu bị cách chức thì khi đó danh sự sẽ không còn. Khi cán bộ phạm phải sai lầm, tổ chức sẽ tạo điều kiện cho từ chức để giữ danh dự. Quy định 41 là khuôn khổ để cán bộ từ chức dễ dàng và đây là bước tiến quan trọng.

Hệ thống của chúng ta cũng phải áp đặt chế độ trách nhiệm rõ ràng. Lĩnh vực nào do ai phụ trách thì người đó phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra vấn đề, nếu không hoàn thành nhiệm vụ như để rừng không được bảo vệ, giao thông không được thông suốt thì người phụ trách phải chịu trách nhiệm chứ không thể chung chung buộc cả hệ thống phải chịu trách nhiệm được.

PV: Trong thực tế, số cán bộ chủ động xin từ chức tuy không nhiều nhưng ở chiều ngược lại thì hầu hết được dư luận đánh giá cao về tư cách, bản lĩnh. Có những cán bộ vi phạm khuyết điểm nên chủ động xin từ chức, nhưng cũng có những cán bộ chủ động xin từ chức để tạo điều kiện phát triển cho lớp trẻ, điển hình như ông Nguyễn Sự xin từ chức Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam). Hành vi xin từ chức như vậy thật đáng quý và đáng trân trọng, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Hành vi này rất đáng trân trọng. Không chỉ tạo điều kiện cho công việc, những người như vậy còn để lại tấm gương rất đẹp. Bởi vì nhiều người từ chức khi thấy cấp phó giỏi hơn mình. Rõ ràng người ta mất chức nhưng được xã hội đánh giá, ghi nhận.

Thực chất chức tước không phải là của cán bộ, nếu có giữ mãi thì cũng đến lúc phải nghỉ hưu. Còn những người có đạo đức thì khi họ về hưu thì những trọng vọng đối với họ vẫn còn đó. Còn người nào cố bám lấy chức, khi còn đương nhiệm thì cán bộ cấp dưới có thể thế này, thế khác với anh, nhưng khi anh về hưu thì có ai đến với anh? Xã hội đánh giá thế nào? Do đó, cần giữ lấy cái có thật, giữ lại những điều mà xã hội đánh giá cao.

Quy định 41: Sức ép nhất định để cán bộ từ chức

PV: Nhiều ý kiến cho rằng Quy định 41 chính là bước đột phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là quy định hay. Bởi vì văn hóa từ chức trên thực tế chưa trở thành chuẩn mực trong nền công vụ và đối với cán bộ. Quy định 41 là một bước để dần dần trở thành văn hóa từ chức. Chuyện này không chỉ là việc tự nguyện mà có khuôn khổ của nó. Và thực chất có một sức ép nhất định để cán bộ từ chức.

Sau khi quy định đi vào cuộc sống và những người từ chức được xã hội coi trọng, không bị tẩy chay, ruồng bỏ thì văn hóa từ chức sẽ hình thành. Đồng thời nếu nghĩ rộng ra thì cũng tạo điều kiện cho cán bộ giữ được danh dự của mình ở mức độ nào đó.

Về cách chức, thủ tục không đơn giản, mất thời gian, hơn nữa một người đã mắc vi phạm thì bản thân họ không còn tư cách để sai khiến hay phê phán người này, người kia. Rõ ràng cán bộ vi phạm thì nền tảng đạo đức, hành xử sẽ khó khăn và ảnh hưởng đến công việc. Do vậy, chúng ta tạo được khuôn khổ thúc đẩy việc từ chức là cách tốt nhất, vừa đảm bảo công việc có người thay thế ngay và bảo vệ được một phần danh dự của cán bộ.

PV: Phải chăng Quy định 41 là cơ chế buộc cán bộ phải từ chức, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là bước trung gian để hình thành văn hóa từ chức; là một sức ép, không phải bắt cán bộ phải từ chức và cũng không phải tiến hành thủ tục để cách chức mà là một khuôn khổ cần thiết để cán bộ chủ động từ chức.

Khi hành vi từ chức được nhiều người làm theo thì dần dần hình thành văn hóa từ chức. Ở các nước có nền công vụ phát triển thì họ sẽ từ chức ngay. Như ở Nhật, sau khi truyền thông đưa hình ảnh một Bộ trưởng ngái ngủ trong phiên họp quốc tế thì sau đó vị này đã từ chức.

Còn ở nước ta, cần phải làm sao để có được văn hóa đó. Nếu có được văn hóa từ chức thì việc quản trị nguồn lực, nhân lực và thúc đẩy công vụ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi vì khi cán bộ thấy công việc khó khăn, không làm tốt thì họ sẽ từ chức để người làm tốt hơn thay thế thì khi đó nền công vụ sẽ tốt hơn, nền kinh tế phát triển nhanh hơn.

Tôn vinh người từ chức trên sự thôi thúc của đạo đức

PV: Ông có cho rằng với những cán bộ không làm tròn, làm tốt nhiệm vụ được giao thì nên chủ động xin từ chức trước khi bị buộc phải từ chức?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Nếu làm như vậy thì sẽ tạo khuôn khổ cho nền công vụ phát triển nhanh vì nguồn nhân lực được thay thế kịp thời. Chẳng hạn cán bộ được giao việc và cũng đã cố gắng một cách tối đa nhưng việc đó lại là sở đoản của họ thì dù cố mấy cũng không đạt được hiệu quả tốt nhất.

Còn nếu cán bộ từ chức thì người khác có sở trường thay thế sẽ làm tốt hơn rất nhiều. Bản thân người từ chức sẽ có một công việc mới phù hợp hơn với năng lực thì cũng tốt cho chính họ.

Như vậy việc phân bổ nguồn nhân lực cũng dễ dàng hơn, tối đa hóa sức mạnh nguồn nhân lực cũng dễ dàng hơn. Còn nếu không có văn hóa từ chức, không có khuôn khổ để từ chức thì công việc sẽ dồn ứ không phát triển được. Thử tưởng tượng một việc mà người làm chỉ đạt được mức độ trung bình và phải chờ cho họ nghỉ hưu thì mới thay thế người khác được thì khi đó công việc tổn hại rất khủng khiếp.

PV: Cùng với Quy định 41, để từ chức thực sự trở thành nét văn hóa, thể hiện sự văn minh, lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên thì chúng ta cần quan tâm thêm yếu tố nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, chúng ta phải xây dựng văn hóa từ chức trên cơ sở thúc đẩy của đạo đức. Nếu cán bộ thấy trách nhiệm của mình về ngành, lĩnh vực phụ trách không phát triển nhanh được thì cần từ chức.

Những người từ chức trên sự thôi thúc của đạo đức thì chúng ta cần phải tôn vinh, xã hội khen ngợi và tổ chức cũng nên có động tác gì đó để đánh giá cao bản thân họ.

Đánh giá của xã hội là rất quan trọng. Nếu cán bộ từ chức mà bị dè bỉu thì sẽ tạo áp lực và khó khăn cho họ. Bên cạnh đó, sau khi cán bộ từ chức thì nên tạo điều kiện cho họ lựa chọn công việc thuộc về sở trường. Nếu bố trí nhân lực theo kiểu như vậy thì tổng thể nền kinh tế, nền công vụ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Từ chức không có nghĩa là chấm hết nếu cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu, mà từ chức là để chuyển tiếp sang một công việc mới phù hợp hơn. Một điều nữa là cần bắt đầu từ giáo dục, đưa quan niệm chức tước là sự chuyển giao trách nhiệm của xã hội, là một cách phân công lao động của một xã hội hiện đại vào hệ thống giáo dục phổ thông thì lúc ấy xã hội sẽ quan niệm dễ dàng hơn và chuyện từ chức sẽ dễ dàng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Đình Hiếu

VOV