Đây là đề xuất dự án của liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 16.220 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tham gia 6.500 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỉ đồng; vốn huy động khác là 8.260 tỉ đồng.
Dự án thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 4 tháng và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo.
Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật đầy đủ hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Dự kiến tổng diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 455 ha. Trong đó, diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là hơn 186 ha, gồm 123 ha rừng tự nhiên và gần 70 ha rừng trồng.
Đoàn công tác của Chính phủ nghe lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trình bày dự án
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án có điểm đầu tại Km 60+100 (trùng điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú) tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20 thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km 126+360 giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Dự án được phân kỳ đầu tư đạt quy mô nền đường tối thiểu 13,5 m (2 làn ôtô và 2 làn dừng khẩn cấp); các đoạn tuyến đào sâu, đắp cao được nghiên cứu theo quy mô nền đường 22 m, tạo thuận lợi cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh; các đoạn vượt xa bố trí mặt cắt ngang với quy mô 4 làn xe cơ giới. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư đạt quy mô nền đường rộng 22 m với 4 làn ôtô và 2 làn dừng khẩn cấp.
Trong giai đoạn phân kỳ, dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ cuối năm 2022 đến 2025; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư sau năm 2035.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, chia thành 3 dự án thành phần. Chính phủ giao tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 dự án thành phần, gồm: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140 km. Trong đó, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66,3 km, nằm trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.