Tp.HCM cụ thể hóa Nghị quyết 98 bằng chính sách khơi thông nguồn lực

11/07/2023 17:02

Kỳ họp thứ 10, HĐND Tp.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội với tâm thế mới cho sự phát triển.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Từ 10/7 đến 12/7, kỳ họp thứ 10, HĐND Tp.HCM khóa X được tổ chức trong sự hân hoan, vui mừng của cử tri Tp.HCM khi các đại biểu đã thảo luận và chính thức thông qua Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM với 100% đại biểu có mặt đồng thuận.

Trong phiên thảo luận toàn thể, nhiều ý kiến đề xuất của đại biểu HĐND Tp.HCM về việc Nghị quyết 98 là cơ hội để tập trung nguồn lực cho 5 huyện ngoại thành, thực hiện đề án chuyển huyện thành thành phố trực thuộc Tp.HCM.

Theo đại biểu Trần Văn Khuyên, ngoài những thuận lợi, cần nhận diện rõ những cản trở, khó khăn của Nghị quyết 98, gồm quy hoạch, tồn đọng, vướng mắc để đề ra giải pháp. Ông Khuyên đề nghị UBND Tp.HCM nên mạnh dạn uỷ quyền cho sở, ngành và quận, huyện một số công việc mang tính sát với cơ sở. Trong đó, ông đề nghị uỷ quyền cho 5 huyện của Tp.HCM giống như cơ chế của Tp.Thủ Đức.

“Nghị quyết 98 là dịp để Tp.HCM thực hiện đề án 5 huyện ngoại thành trở thành đô thị. Đây là cơ hội tạo điều kiện cho 5 huyện tập trung phát triển, phát huy nguồn lực vốn có”, ông Khuyên nêu ý kiến.

Sự kiện - Tp.HCM cụ thể hóa Nghị quyết 98 bằng chính sách khơi thông nguồn lực Kỳ họp thứ 10 HĐND Tp.HCM khóa X xác định 14 nhiệm vụ của Tp.HCM khi thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, quy trình thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất là vấn đề khó, tồn tại lâu, vướng quy hoạch nên nhiều dự án trên địa bàn Tp.HCM đang còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Để Nghị quyết 98 đi vào thực chất, bà Dung đề xuất UBND Tp.HCM thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất ở các quận, huyện, nhằm tham mưu cơ chế phù hợp khi thực hiện Nghị quyết 98.

“Bên cạnh đó, Tp.HCM cũng cần sớm có kế hoạch cụ thể về cơ chế chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, người lao động chuyên trách và không chuyên trách, bởi nguồn kinh phí này sẽ giúp cán bộ an tâm đóng góp sức lực, tài năng cho thành phố”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh.

Còn đại biểu Trần Văn Bảy cho biết, khi thực hiện Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 sẽ có 14 nhiệm vụ của HĐND Tp.HCM. Hầu hết các nhiệm vụ này sẽ ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Song, UBND Tp.HCM phải trình HĐND Tp.HCM các văn bản này trong kỳ họp năm 2023 và các kỳ họp tiếp theo.

Đại biểu Trần Văn Bảy chỉ ra: “Nếu quy định như vậy sẽ khó xác định thời gian thông qua các thể chế. Rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54, chúng ta mất rất nhiều thời gian xin ý kiến cơ quan Trung ương và chính chúng ta cũng có sự chậm trễ trong xây dựng thể chế”.

Do đó, ông Bảy đề nghị Tp.HCM cân nhắc ấn định thời gian cho phần xây dựng thể chế. Bởi nếu nghị quyết mất 1,5 năm xây dựng thể chế thì quỹ thời gian còn lại thực hiện nghị quyết sẽ rất ngắn.

Điểm qua những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội của Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch HĐND Tp.HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận, Tp.HCM đã đạt một số kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 3,55%; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi. Khách quốc tế đến Tp.HCM trên 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ.

Các dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng được tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng và khánh thành (như Dự án Vành đai 3; dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; bệnh viện Ung Bứu cơ sở 2….).

Tuy vậy, kinh tế thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Một số ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng thấp; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có chuyển biến nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa tạo động lực tỷ lệ kích cầu đầu tư (tỷ lệ 23%). Thị trường lao động thiếu ổn định, một số ngành có chỉ số lao động giảm theo tình hình chung, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân. Việc giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đúng tiến độ đã cam kết.

Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND Tp.HCM, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, không có một luật nào, nghị quyết nào có thể bao trùm giải quyết hết được các vấn đề của Tp.HCM. Nghị quyết 98 đã cho cơ chế quan trọng, một mặt giải quyết vướng mắc, một mặt tạo điều kiện mới cho Tp.HCM.

Trong kế hoạch của UBND Tp.HCM ban hành ngày 19/5 vừa qua, UBND Tp.HCM đã chia 11 nhóm nội dung công việc hoàn thành trong quý 2/2023 và 37 nội dung hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023. UBND Tp.HCM sẽ tiếp tục cập nhật những chỉ đạo của Thủ tướng, để tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch quan trọng.

Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin, khi tham mưu Nghị quyết 98, có những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà thuộc thẩm quyền Thủ tướng, Chính phủ, bộ, ngành, nên không được thể hiện trong Nghị quyết 98.

Do đó, sắp tới khi cụ thể hoá Nghị quyết 98, Tp.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành triển khai các nội dung dưới thẩm quyền của Quốc hội, và rà soát lại các nghị quyết HĐND Tp.HCM trước đây, để tích hợp, điều chỉnh, thậm chí bãi bỏ để ban hành nghị quyết mới với tinh thần “vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh để thực hiện đạt kết quả cao nhất”.

Sự kiện - Tp.HCM cụ thể hóa Nghị quyết 98 bằng chính sách khơi thông nguồn lực (Hình 2).

Bí thư Tp.HCM khẳng định: "Kỳ họp giữa năm mang tính lịch sử với HĐND thành phố".

Tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu nhận định, kỳ họp diễn ra trong thời điểm toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận, chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

"Đây là thời cơ, điều kiện thuận lợi để Tp.HCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng với thành phố và mang tính lịch sử với HĐND Tp.HCM", người đứng đầu Đảng bộ Tp.HCM nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng các đại biểu đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm trong từng lĩnh vực để thảo luận, đóng góp sát thực tế, ra những nghị quyết với chất lượng cao nhất.

Bí thư Thành ủy Tp.HCM khẳng định: "Nghị quyết thí điểm là nghị quyết hành động, có những vấn đề có tính đột phá, vượt trên quy định bình thường, một số vấn đề mới theo yêu cầu phát triển của Thành phố, của đất nước, một số vấn đề không phù hợp theo quy định hiện hành hoặc chưa có trong quy định hiện hành, mới gọi là thí điểm”.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, thời gian tới HĐND Tp.HCM cần tiếp tục thực hiện đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị, gắn với các chuyên đề giám sát từng lĩnh vực.

Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của UBND Tp.HCM chỉ ra, trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 1 chỉ tiêu dự kiến gần đạt, 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

Bên cạnh mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, tác động trực tiếp, làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của Tp.HCM bị ảnh hưởng; đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Nửa cuối nhiệm kỳ, UBND Tp.HCM đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm để kiên trì triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI.

Tp.HCM sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là các dự án trọng điểm về liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả chính quyền đô thị...

Chính quyền Tp.HCM đặt trọng tâm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025.

Cử tri lo lắng về kinh tế, lao động, an ninh trật tự

Tổng hợp ý kiến cử tri, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM Trần Thị Kim Yến cho biết, cử tri Tp.HCM cho rằng Nghị quyết 98 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ ở Tp.HCM mà còn cho cả nước. Việc thực hiện nghị quyết này sẽ tạo điều kiện hơn nữa để Tp.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Người dân cũng phấn khởi khi dự án Vành đai 3 được khởi công và nhiều dự án như kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Cầu Long Kiểng, cầu Tân Kỳ Tân Quý… và nhiều dự án khác được tái khởi động với các mốc tiến độ cụ thể.

Cử tri mong muốn các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông sẽ hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM mà còn tăng cường năng lực giao thông tuyến Bắc - Nam và có tính liên kết vùng.

Tuy nhiên, người dân Tp.HCM vẫn còn lo lắng trước những biến động giá cả thị trường; doanh nghiệp giảm hoặc không có đơn hàng, đầu ra sản phẩm tiêu thụ thấp, tình trạng giãn, giảm giờ làm, giảm hoặc mất việc làm của công nhân, người lao động...

Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cử tri kiến nghị lãnh đạo Tp.HCM cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, như hỗ trợ tiền thuê nhà; chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm… bên cạnh giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và hoạt động công vụ.

Bà Yến đề đạt ý kiến cử tri đến Công an Tp.HCM cần có biện pháp mạnh tay, quyết liệt hơn để đánh sập hoàn toàn các đường dây cho vay lãi nặng thu lợi bất chính và đường dây buôn bán ma túy. Ngăn chặn tín dụng đen, tệ nạn xã hội, để đảm bảo đời sống ổn định cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...