TP HCM nhìn lại và bước tới

05/02/2022 08:11

Biến đau thương thành sức mạnh, TP HCM quyết tâm trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Trước thềm xuân mới Nhâm Dần 2022, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo và người dân để vực dậy nền kinh tế thành phố.

TP HCM nhìn lại và bước tới - Ảnh 1.

Ảnh: Lê Vĩnh

 Phóng viên: Thưa bà, TP HCM đã trải qua một năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Cảm nhận của bà như thế nào?

- Bà Tô Thị Bích Châu: TP HCM đã trải qua đợt dịch thứ 4 với vô vàn mất mát và đau thương. Thành phố đã phải chịu những tổn thất rất nặng nề, nhiều người không thể vượt qua; kinh tế - xã hội tụt giảm nghiêm trọng.

Từ giữa tháng 5-2021, thành phố phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên, buộc chúng ta phải áp dụng giãn cách xã hội sau đó. Đồng thời, nhanh chóng triển khai các biện pháp y tế để ngăn chặn lây nhiễm ra cộng đồng, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Mỗi lần đưa ra một quyết sách, lãnh đạo thành phố phải dựa trên chỉ đạo của trung ương, cơ sở góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức và tình hình thực tế; phải cân nhắc giữa việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế; phải làm sao để bảo đảm an toàn, an sinh và an dân. Có những cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM kéo dài tới 1-2 giờ sáng với rất nhiều trăn trở.

Song, chính trong những ngày chống dịch cam go, ác liệt chưa từng có đó, chúng ta càng thấy rõ sự đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ của trung ương; tỉnh, thành bạn; đồng bào trong nước và nước ngoài; bạn bè quốc tế. Và chúng ta càng cảm nhận rõ ràng, càng thấm thía giá trị đặc trưng "nghĩa tình" của thành phố, được biểu hiện sinh động bằng các mô hình "ATM gạo", "AMT thực phẩm", "Gian hàng 0 đồng"... Tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng cũng được phát huy mạnh mẽ để cùng vượt qua thử thách này.

Góp phần không nhỏ trong "cuộc chiến" này, hệ thống MTTQ thành phố đã huy động được rất lớn "sức người, sức của" cũng như chăm lo an sinh cho người dân. Những "điểm sáng" này sẽ được phát huy như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp?

- TP HCM trải qua những ngày tháng cam go chống dịch đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa về sức mạnh đại đoàn kết và sứ mệnh của hệ thống MTTQ trong ứng phó với đại dịch và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng để tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tinh thần ấy được thể hiện qua sự phát huy vai trò của các tổ chức chính trị và tổ chức thành viên của Mặt trận; sự thống nhất trong ý chí, hành động, tổ chức thực hiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền TP HCM cũng như sự đồng thuận của người dân.

Do đó, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, xây dựng các kế hoạch phối hợp hành động để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên, các giới, các tầng lớp nhân dân; đổi mới phương thức hoạt động để tạo điều kiện cho nhân dân cùng tham gia quá trình hoạt động của các tổ chức. Khi đã thông hiểu về vị trí, vai trò và khả năng của mỗi tổ chức, nhân dân sẽ tin tưởng, đồng thuận và cùng góp sức để tạo nên sức mạnh to lớn, giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách.

Trong năm 2022, TP HCM đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6%-6,5%. MTTQ làm gì để góp sức thực hiện thành công mục tiêu lớn này?

- Thành phố đã xác định chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Như vậy, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của thành phố trong năm 2022. Do đó, TP HCM đã ban hành Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn cũng như xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể mới Omicron.

TP HCM đặt ra mục tiêu toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ GRDP năm 2022 từ 6%-6,5%. MTTQ với vai trò của mình sẽ cùng các tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp hành động cụ thể để tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố. Bên cạnh đó, phát huy các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, gắn bó với người dân. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc triển khai đề án MTTQ TP và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền thành phố giai đoạn 2020-2030. Uy tín của Mặt trận sẽ càng được nâng lên trong lòng dân khi tổ chức giám sát hiệu quả; đồng thời, thông qua kênh này sẽ thúc đẩy các cấp ủy Đảng, chính quyền đổi mới phương thức, thực hiện nhiệm vụ của mình càng hiệu quả hơn từ các kiến nghị, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

MTTQ cũng sẽ luôn nêu gương tinh thần đoàn kết nhân nghĩa, là ngôi nhà chung, không có chỗ cho sự hẹp hòi, ích kỷ; nơi hóa giải mặc cảm và định kiến; nơi để đề đạt, hiến kế xây dựng đất nước, xây dựng thành phố như lời Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã nói.

2022 là năm thứ 2 chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của TP HCM và các cấp; là giai đoạn giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ thành phố; chúng tôi mong muốn việc triển khai các nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của nhân dân, đồng bào các giới để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước.

Những con số ấn tượng

Từ đầu năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ TP HCM đã vận động sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận trung ương; các tỉnh, thành; các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước hơn 4.500 tỉ đồng tiền mặt, hàng hóa, vật tư y tế, kinh phí mua vắc-xin trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trung tâm An sinh thành phố đã chuyển hơn 2,6 triệu túi an sinh đến các quận, huyện, TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Phối hợp với đơn vị vận động và tổ chức 10 đợt xuất quân lực lượng tình nguyện các tôn giáo, với gần 700 tình nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn.

Bạn đang đọc bài viết "TP HCM nhìn lại và bước tới" tại chuyên mục TIN TỨC.